Hầu hết công ty trong các KCN Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi làn sóng tuần hành tự phát chống Trung Quốc tuần trước đã hoạt động bình thường trở lại. Theo hãng tin Reuters, điều này cho thấy Việt Nam vẫn chiếm ưu thế về sản xuất chi phí thấp, lực lượng lao động lành nghề.
Làn sóng biểu tình bùng phát sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam - đã làm dấy lên lo ngại rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể tháo chạy khỏi Việt Nam. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư nhấn mạnh với Reuters là họ không hề có ý nghĩ đó.
Khoảng 200 KCN ở Việt Nam đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu và thu hút khoảng 110 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài.
“Việt Nam là một trong những nơi hấp dẫn nhất về mặt sản xuất. Lực lượng lao động ở đây hội tụ nhiều yếu tố tốt như thạo nghề, cần cù và mức lương khá cạnh tranh so với những khu vực còn lại của châu Á” - ông Jerry Shum, người phát ngôn của nhà sản xuất giày dép thể thao Yue Yuen Industrial (Công nghiệp Dụ Nguyên - Hồng Kông), nói với Reuters ngày 19-5. Yue Yuen Industrial chuyên gia công giày dép cho Adidas, Nike và những nhãn hiệu quốc tế khác. Ông Shum khẳng định sản xuất đã được khôi phục sau khi tạm dừng hồi tuần trước.
Các công ty Đài Loan, Singapore và Hồng Kông cho biết chiến lược đầu tư ở Việt Nam không có gì thay đổi. Trong ngày 19-5, tập đoàn hàng đầu Đài Loan là Formosa Plastics, một trong những công ty bị thiệt hại nặng do cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc ở Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), xác nhận đã nối lại hoạt động một cách cơ bản và hy vọng mọi kế hoạch sản xuất sớm trở lại bình thường.
Tương tự, đại diện của Hon Hai Precision Industry - tập đoàn Đài Loan sản xuất một số linh kiện cho iPhone, iPad và máy tính xách tay của hãng Apple - thông báo làm việc bình thường từ ngày 20-5 và không có thay đổi kế hoạch kinh doanh.
Trong một thông báo tại trụ sở ở Hồng Kông, Công ty Dệt may Texhong Textile khẳng định các cơ sở Việt Nam đã khôi phục sản xuất và không có sự gián đoạn về vật liệu. Tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Singapore Keppel Corp, gắn bó khoảng 20 năm qua với Việt Nam, cũng tuyên bố chiến lược kinh doanh dài hạn ở Việt Nam không thay đổi.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Samir Shah, Giám đốc Quỹ Đầu tư Advance Emerging Capital (Anh) đánh giá: “Chúng tôi thấy triển vọng ở Việt Nam vẫn đang tăng. Đà phát triển kinh tế bền vững tiếp tục”. Trong khi đó trang chinahightech.com có nhận định rất lạc quan: “Chi phí lao động thấp, chính sách ưu đãi và nhiều yếu tố khác sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài cho Việt Nam”.
Đài Loan cấm tàu quân sự, tàu cá Trung Quốc
“Đài Loan sẽ không bao giờ cho phép tàu quân sự và tàu cá Trung Quốc hiện diện ở vùng biển quanh hòn đảo” - ông Hạ Lập Ngôn, một quan chức quốc phòng cấp cao Đài Loan, nhấn mạnh ngày 19-5. Cơ quan Quốc phòng Đài Loan tái khẳng định hòn đảo này chỉ cho phép tàu chở hàng và tàu chở hành khách Trung Quốc hoạt động trong khu vực giới hạn trong vùng biển Đài Loan; cấm tất cả các loại tàu quân sự và tàu cá Trung Quốc.
Bình luận (0)