Theo trang tin Today, những công ty Singapore được phỏng vấn đang lo ngại việc này có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của họ.
Ông Andrew Tjioe, giám đốc điều hành của chuỗi nhà hàng Tung Lok Group hoạt động tại Bắc kinh và Thượng Hải, cho biết: “Tại Trung Quốc, có vẻ như mọi sự đều liên quan đến chính trị. Dù vậy, tôi hy vọng rằng khách hàng tại đây đủ trưởng thành để tách bạch chính trị và kinh doanh”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Ho Meng Kit, giám đốc điều hành của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, nói: “Nếu điều này tiếp diễn và thái độ giận dữ hay thù địch đối với sản phẩm của Singapore lan rộng, chúng tôi sẽ hết sức lo ngại. Người Trung Quốc rất có tinh thần dân tộc. Chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ có cái nhìn công bằng về sự việc”.
“Những cuộc trao đổi của các cư dân mạng đã chuyển thành những cuộc tranh cãi ngoài đời và gây cản trở cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Nhiều công ty Singapore cho biết họ bị đối tác Trung Quốc hỏi dò lập trường về vấn đề biển Đông” - ông Koh Chin Yee, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Longus, từng làm việc tại Trung Quốc 9 năm và có nhiều mối liên hệ với cộng đồng doanh nghiệp Singapore tại đây, xác nhận.
Thủ tướng Lý Hiển Long (giữa) trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 27-9. Ảnh: SEAH KWANG PENG
Trong những tuần vừa qua, Thời báo Hoàn cầu đăng tải một loạt bài báo chỉ trích chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng 9, khiến cư dân mạng Trung Quốc đổ xô vào lên án Singapore.
Trên mạng xã hội Weibo lẫn trang điện tử của các báo tràn ngập những bài bình luận đả kích Singapore, ví dụ như cáo buộc đảo quốc sư tử đứng về phe Mỹ và Nhật Bản trong vấn đề biển Đông. Một số người cho rằng Singapore là một nước nhỏ, nên “biết thân biết phận” trong khi những người khác tuyên bố sẽ tránh xa Singapore và các quốc gia Đông Nam Á “chống đối Trung Quốc”.
Diễn biến trên xảy ra sau khi tờ Thời báo Hoàn cầu có một cuộc tranh cãi qua lại với Bộ Ngoại giao Singapore. Tờ báo này khẳng định đảo quốc sư tử muốn đưa phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào văn kiện của Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) tổ chức tại Venezuela hôm 18-9.
Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh liền lên tiếng bác bỏ cáo buộc này, cho rằng đó là thông tin sai lệch và vô căn cứ. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu tuyên bố các nguồn tin của họ là chính xác và yêu cầu Singapore “nhìn lại mình”.
Đáp lại, ông Loh khẳng định mấu chốt của vấn đề là bài báo kể trên không phản ánh chính xác diễn biến của hội nghị NAM, vốn có thể được xác nhận bằng tài liệu công khai của hội nghị.
Trong khi các công ty Singapore cho biết họ vẫn chưa bị ảnh hưởng tiêu cực, ít nhất một công ty nước ngoài xác nhận thu nhập bị giảm sút vì tranh chấp trên biển Đông.
Vào tuần trước, Yum Brands – công ty sở hữu KFC, Pizza Hut và Taco Bell – cho biết nguyên nhân khiến tình hình tài chính công ty giảm sút tại Trung Quốc là do cuộc tranh cãi về phán quyết của tòa PCA hồi tháng 7.
Đề cập đến tình trạng khó khăn của Yum Brands, nghị sĩ Joan Pereira, làm việc tại Ủy ban Nghị viện Chính phủ Singapore, chỉ ra rằng “nguy cơ đối với thương mại và kinh doanh đang thực sự tồn tại”.
“Quan trọng là chính phủ cần làm rõ những sai lệch thông tin của tờ Thời báo Hoàn cầu, điều mà đại sứ của chúng tôi đang làm” – bà Pereira nhận định, đồng thời nhắc lại rằng trong cuộc tranh chấp về biển Đông cũng như những vấn đề quốc tế khác, mối quan tâm của Singapore “không phải là chọn phe phái mà là ủng hộ trật tự thế giới dựa trên cơ sở luật lệ”.
Bình luận (0)