Đó là nhận định của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP, Hồng Kông).
Thời báo Hoàn cầu thường xuất bản những bài viết hiếu chiến. Nhờ vào chiêu bài kích động chủ nghĩa dân tộc này, tờ báo có chỗ đứng vững chắc trong làng truyền thông đông đúc và cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc.
Cao hơn thế, giá trị của Thời báo Hoàn cầu nằm ở chỗ nó chuyển tải những điều chính phủ Trung Quốc thực sự nghĩ đến nhưng không thể hoặc không muốn nói ra, "ít nhất là không phải theo cách khiếm nhã như tờ Hoàn cầu đang làm", theo SCMP.
Trong bài phỏng vấn hồi tháng 8, tổng biên tập lâu năm của Thời báo Hoàn cầu, ông Hồ Tích Tiến, tiết lộ mình có mối quan hệ thân cận với giới ngoại giao và an ninh của đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Ông Hồ khẳng định họ có chung lập trường với ban biên tập tờ báo. “Họ không thể nói năng tùy ý nhưng chúng tôi có thể” – ông Hồ tuyên bố.
Thời báo Hoàn cầu ẩn chứa thông điệp ngầm của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Imaginechina
Ngày 21-9, tờ Hoàn cầu đăng một bài báo chỉ trích Singapore đề cập đến tranh chấp biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) tổ chức tại Venezuela hôm 18-9.
Sau khi bài báo được xuất bản, đại sứ Singapore tại Trung Quốc, ông Stanley Loh, liền viết thư phủ nhận thông tin trên, khẳng định rằng đó là thông tin “sai lệch và vô căn cứ”.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, Tổng biên tập Hồ và sau đó là chính phủ Trung Quốc ra mặt bảo vệ tờ báo. Tại một buổi họp báo, khi được hỏi về tranh cãi giữa Thời báo Hoàn cầu và Singapore, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc liền chỉ trích “một quốc gia nào đó” đề nghị bổ sung vấn đề biển Đông vào văn kiện của NAM.
Rõ ràng, lời khẳng định của ông Hồ về việc trở thành tiếng nói đại diện của chính phủ Trung Quốc không phải là lời nói suông: Thông điệp của Thời báo Hoàn cầu được truyền từ trung tâm quyền lực của CCP.
Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, ông Hồ Tích Tiến. Ảnh: Simon Song
Việc Thời báo Hoàn cầu "được chọn" trước hết và quan trọng hơn cả là vì trang điện tử tiếng Hoa của tờ báo có khoảng 15 triệu người xem mỗi ngày. Con số này nhiều gần gấp ba dân số Singapore.
Điều này củng cố chủ trương khuấy động chủ nghĩa dân tộc của CCP để khỏa lấp những khó khăn kinh tế trong nước cũng như làm cơ sở cho khát vọng đưa Trung Quốc lên vị trí siêu cường quốc tế. Hiển nhiên, điều này giải thích cho giọng điệu chế nhạo, xúc phạm các quốc gia khác của Hoàn cầu và từ đó đưa đến lý do thứ 2.
Nhờ giọng điệu hiếu chiến, Thời báo Hoàn cầu được truyền thông thế giới hết sức chú ý. Đối với CCP, việc xúc phạm các quốc gia khác chẳng có tác dụng gì nếu như người nhận không hiểu được thông điệp. Vì vậy, Thời báo Hoàn cầu chĩa mũi dùi vào hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đứng đầu là Mỹ, Nhật Bản và nhóm người ủng hộ độc lập ở Đài Loan.
Đại sứ Singapore tại Trung Quốc, ông Stanley Loh. Ảnh: MINISTRY OF FOREIGN AFFAIRS
Hồi tháng 8, tờ Hoàn cầu từng lên tiếng đe dọa Úc vì ủng hộ phán quyết của tòa PCA về vụ kiện biển Đông. “Nếu Úc lọt vào biển Đông, họ sẽ là mục tiêu lí tưởng của Trung Quốc để tấn công” – tờ báo dọa nạt.
Về phần Singapore, cuộc tranh cãi hiện tại không phải là lần đầu tiên nước này bị Thời báo Hoàn cầu nhắm đến. Vào năm 2009, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đề nghị Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á để “tạo thế cân bằng”. Ngay lập tức, tờ Hoàn cầu dẫn lời cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích ông Lý vô ơn với Bắc Kinh.
Thông qua những bài báo như trên, Trung Quốc có mục đích tạo ảnh hưởng, đe dọa và bắt nạt các nước khác phải khuất phục. Theo SCMP, đây cũng chính là ý đồ của những bài viết mới nhất trên tờ Thời báo Hoàn cầu. Chúng được xuất bản để dọa nạt Singapore phải im lặng về vấn đề biển Đông.
Bình luận (0)