Doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đã sụt giảm nhẹ trong năm 2011 do tác động của tình hình kinh tế khó khăn và việc giảm mua vũ khí dùng cho các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq. Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) của Thụy Điển công bố hôm 18-2, mức doanh thu nói trên trong năm 2011 là 410 tỉ USD, thấp hơn 1 tỉ USD so với năm trước đó.
Báo cáo của SIPRI cho biết: “Các chính sách thắt lưng buộc bụng, sự cắt giảm chi tiêu quân sự và sự trì hoãn những chương trình mua vũ khí đã ảnh hưởng đến doanh thu vũ khí tại Bắc Mỹ và Tây Âu. Ngoài ra, việc rút quân nước ngoài khỏi Iraq, Afghanistan và các biện pháp trừng phạt việc bán vũ khí cho Libya ít nhiều khiến doanh thu vũ khí sụt giảm”.
Khung cảnh cuộc triển lãm vũ khí quốc tế Eurosatory tại Paris (Pháp) năm ngoái. Ảnh: WIKIMEDIA.ORG
Susan Jackson, một nhà nghiên cứu tại SIPRI, cho hãng tin Reuters biết đây là lần sụt giảm đầu tiên về doanh thu vũ khí của 100 nhà sản xuất hàng đầu thế giới kể từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn từ năm 2002-2011, doanh thu bán vũ khí của 100 doanh nghiệp này tăng đến 51%.
Theo thống kê của SIPRI, 74 nhà sản xuất vũ khí đặt trụ sở tại Mỹ và Tây Âu đã tạo ra 90% doanh thu bán hàng trong năm 2011. Công ty Lockheed Martin (Mỹ) vẫn là nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới với doanh thu 36,2 tỉ USD. Trong khi đó, Tập đoàn Boeing của Mỹ đã vượt Công ty BAE Systems của Anh để chiếm vị trí thứ hai với doanh thu 31,8 tỉ USD. Ngoài ra, hãng General Dynamics qua mặt Northrop Grumman – cả 2 công ty đều của Mỹ - để đứng vị trí thứ 4.
SIPRI ghi nhận các nhà sản xuất vũ khí lớn đang chuyển sự quan tâm sang lĩnh vực an ninh mạng - bảo vệ máy tính và mạng khỏi các vụ xâm nhập và tấn công. Lý do là chi tiêu dành cho lĩnh vực này vẫn được xem là một ưu tiên ở các nước phương Tây bất chấp chính sách thắt lưng buộc bụng.
Vincent Boulanin, chuyên gia về an ninh mạng của SIPRI, nhận định: “An ninh mạng đã trở thành vấn đề được ưu tiên. Nhiều nước đang sẵn sàng tăng cường chi tiêu để chống lại mối đe dọa trên mạng từ những nước khác hoặc các cá nhân”.
Theo báo cáo, sự chuyển hướng trên giúp các nhà sản xuất vũ khí tiếp cận nhiều hơn đối tượng khách hàng dân sự, cơ quan chính phủ và tổ chức vận hành những hạ tầng quan trọng. Cùng lúc đó, chiến lược này còn giúp các công ty vũ khí phát triển được sản phẩm phục vụ chiến tranh điện tử cho thị trường quân sự.
Danh sách trên bắt đầu được SIPRI - một tổ chức nghiên cứu độc lập về vấn đề an ninh quốc tế, vũ trang và giải trừ quân bị - lập ra từ năm 1989. Danh sách này không có tên các công ty Trung Quốc do thiếu dữ liệu cần thiết.
Bình luận (0)