Khẩu AR-15 sờn bạc và mòn bóng sau nhiều năm sử dụng. Dễ điều khiển hơn so với súng AK-47 huyền thoại, nhất là trong những cuộc đấu giáp lá cà, loại vũ khí này vừa vặn để hạ gục kẻ thù cách xa khoảng 500 m.
"Những người can đảm"
Vốn gắn liền với các đơn vị chống săn bắn trộm ở khắp châu Phi suốt nhiều thập kỷ qua nhưng nay, AR-15 không còn trên tay những kiểm lâm viên phái mạnh như thường thấy. Chúng đã trở thành vũ khí lợi hại theo một cách rất riêng của những cô gái như Vimbai Kumire.
"Công việc này không phải chỉ dành cho đàn ông, nó chào đón bất cứ ai đủ sức" - bà mẹ đơn thân 32 tuổi nói. Chồng Kumire đã bỏ vợ theo một phụ nữ trẻ hơn khi cô mang bầu đứa con thứ hai. Người phụ nữ bị chồng bội bạc chẳng ngại khó khăn dấn thân vào những cuộc mai phục từ tờ mờ sáng trong thung lũng Zambezi ở Zimbabwe. Đây là mặt trận săn bắt trộm nóng bỏng của châu Phi và những người như Kumire không phải là nữ kiểm lâm thông thường. Họ là một đội quân xung kích môi trường ngày càng lớn mạnh, thúc đẩy cộng đồng phát triển tích cực.
Theo nhà nghiên cứu sinh học bảo tồn Victor Muposhi của Trường ĐH Công nghệ Chinhoyi, thung lũng Zambezi đã hao hụt 11.000 con voi trong 10 năm qua. Ông tin rằng những phụ nữ như Kumire sẽ thay đổi tình trạng này.
"Phát triển các kỹ năng bảo tồn trong các cộng đồng không chỉ dừng lại ở việc tạo thêm công ăn việc làm. Nó giúp người dân địa phương hưởng lợi trực tiếp từ chính việc bảo tồn đời sống hoang dã" - ông Muposhi nhận định, đồng thời nhấn mạnh việc này có thể không chỉ giúp bảo vệ những loài đặc biệt như voi mà còn cứu sống cả hệ sinh thái.
Phát huy nữ quyền là nòng cốt của chương trình mang tên Akashinga này, có nghĩa là "Những người can đảm". "Đây là một chương trình nữ quyền thực sự bởi bạn đang hành động nhằm vào những phụ nữ trẻ bị tổn thương và hủy hoại sâu sắc" - ông Muposhi quả quyết. Theo lời vị chuyên gia, nghiên cứu ban đầu của ông cho thấy chương trình kéo dài 5 tháng này đang giúp những phụ nữ thiệt thòi ở địa phương trở thành các nhà lãnh đạo cộng đồng.
Nở nụ cười tươi rói dù một vết sẹo lớn kéo dài ở môi trên - vết tích từ trận đánh của bạn trai cũ, Primrose Mazliru, 21 tuổi, tự hào: "Tôi có thể làm chứng về sức mạnh thay đổi cuộc đời mình của chương trình này. Tôi đang được cộng đồng tôn trọng, dù là một người mẹ đơn thân trẻ". Thậm chí, Mazliru đã mua được một mảnh đất nhỏ bằng tiền lương dành dụm từ công việc kiểm lâm. Cô khẳng định: "Tôi và con không cần dựa vào đàn ông nữa".
Một nữ kiểm lâm trẻ cùng khẩu súng AR-15 trong cuộc huấn luyện chống săn bắt trộm ở thung lũng ZambeziẢnh: GUARDIAN
Mắt xích còn thiếu
Giống như hầu hết quốc gia ở miền Nam châu Phi, Zimbabwe dùng những khu vực quản lý săn bắt quanh các công viên quốc gia nổi tiếng như Victoria Falls hay Mana Pools làm "vùng đệm" để bảo vệ động vật. Những vùng đệm thường rộng lớn hơn nhiều so với công viên, ban đầu được tạo ra nhằm thu lợi cho các cộng đồng xung quanh bằng cách cho phép săn bắt giới hạn có thu phí. Không hề có hàng rào ngăn cách giữa các khu vực săn bắt, cũng chẳng có gì tách biệt giữa đời sống hoang dã và khoảng 4 triệu dân sống cạnh các vùng đất được bảo vệ này. Một số lợi tức thu được từ hoạt động đó được dùng để hỗ trợ các cộng đồng sống trong vùng đệm - chiếm khoảng 20% đất đai Zimbabwe.
Theo ông Muposhi, những hệ sinh thái quý ở đây đang bị đe dọa nghiêm trọng sau khi loại hình săn bắt thương mại vốn là nguồn cung cấp tiền bảo tồn không còn tồn tại, một phần bởi những phản ứng chỉ trích mạnh mẽ. Vụ chú sư tử biểu tượng của Zimbabwe Cecil bị nha sĩ Mỹ Walter Palmer chặt đầu gây chấn động khắp thế giới hồi năm 2015 đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi diện rộng về vấn đề đạo đức của hoạt động săn bắt này.
Sáng lập chương trình Akashinga là ông Damien Mander, một xạ thủ từng được đào tạo trong quân đội Úc. Truyền cảm hứng cho ông là đội nữ xung kích chống săn bắt trộm đầu tiên trên thế giới Black Mambas hoạt động gần Công viên Quốc gia Kruger ở Nam Phi. Gặp gỡ một số "bóng hồng" của Black Mambas trong chuyến đi gây quỹ tới TP New York - Mỹ, ông Mander nhận ra họ nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của quốc tế. Từ đó, ông nảy ra ý nghĩ khởi xướng một chương trình tương tự ở Zimbabwe với hy vọng đây có thể là cách hay để thúc đẩy dự án Quỹ chống săn bắt trộm quốc tế (IAPF). Kết quả đạt được đang vượt xa kỳ vọng.
"34 phụ nữ bắt đầu tham gia huấn luyện theo mô hình huấn luyện lực lượng đặc biệt của chúng tôi. Chúng tôi thúc bách họ rất mạnh, mạnh hơn bất cứ cuộc huấn luyện nào đã thực hiện với nam giới. Thế nhưng, chỉ có 3 người bỏ cuộc" - ông Mander cho biết. Nhà hoạt động Úc sớm nhận ra phụ nữ chính là mắt xích còn thiếu trong các sáng kiến chống săn bắt trộm, bảo tồn đời sống hoang dã. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 5 tháng, dự án thí điểm này đã thu được số tiền hằng tháng cho cộng đồng địa phương nhiều hơn thu nhập cả năm của hoạt động săn bắn giải trí.
Chương trình bắt đầu thu hút được nhiều sự quan tâm của những nhân vật nổi tiếng hoặc nhiều ảnh hưởng. "Những phụ nữ này đã cho tôi thấy hy vọng mới" - Tariro Mnangagwa - nhiếp ảnh gia 32 tuổi, con gái út của tân Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa - chia sẻ sau khi tới thăm nơi huấn luyện của IAPF. Trong khi đó, Annette Hübschle, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường ĐH Cape Town (Nam Phi), tin rằng việc huấn luyện những phụ nữ sống trong các cộng đồng cận kề các khu vực cần bảo tồn ở châu Phi như Kumire và Mazliru - những người cảm nhận rõ hơn cả tác động của nạn săn bắt trộm - là giải pháp tiềm năng để đối phó hiệu quả loại tội phạm này.
Bình luận (0)