Tuy nhiên, các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tỉ lệ cử tri hài lòng với sự lãnh đạo của ông Obama đang ở mức dưới 50%, dẫn đến nghi ngại Đảng Dân chủ sẽ bị ảnh hưởng lây tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Quả thật, Đảng Cộng hòa đang hy vọng cuộc bầu cử nêu trên là nơi cử tri phán xét và “trút giận” lên những chính sách của ông Obama.
Tổng thống Barack Obama đến San Diego dự một sự kiện gây quỹ ngày 8-5
Ảnh: AP
Ngoài vấn đề kinh tế, đường lối đối ngoại của ông Obama đang chịu nhiều công kích, từ biến động Ukraine, tình hình Trung Đông cho đến chiến lược xoay trục ở châu Á. Tổng thống Mỹ bị chê là phản ứng không đủ mạnh để ngăn Nga sáp nhập Crimea, còn các biện pháp trừng phạt hiện nay chưa đủ sức kiềm chế Moscow lấn tới ở miền Đông Ukraine. Không những thế, cuộc khủng hoảng Ukraine ít nhiều còn làm xáo trộn những chiến lược mà ông Obama dành cho những điểm nóng khác.
Đã xuất hiện những hoài nghi rằng Mỹ nói nhiều mà hành động chẳng bao nhiêu trong ý định xoay trục sang châu Á. Trong khi đó, tiến trình hòa bình Israel - Palestine có nguy cơ đổ vỡ và cuộc nội chiến Syria tiếp tục dai dẳng. Chưa hết, một thỏa thuận hạt nhân lâu dài giữa Iran và nhóm cường quốc vẫn xa vời. Những khó khăn này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho ông Obama trong việc biến những ý tưởng đầy tham vọng thành chính sách lâu dài. Song, không vì thế mà nhà lãnh đạo này chịu bỏ cuộc.
Trong chuyến công du châu Á mới đây, tổng thống Mỹ đã trấn an các đồng minh rằng Washington sẽ không vì châu Âu mà bỏ mặc họ trong trường hợp khẩn cấp. Sự quan tâm được Mỹ dành đặc biệt cho Nhật Bản và Philippines, 2 nước có tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc, bởi mối lo ngại một “kịch bản Crimea” có thể tái diễn tại khu vực này.
Ở tầm vĩ mô hơn, ông Obama mạnh mẽ biện hộ cho đường lối đối ngoại đang theo đuổi. Theo ông, điều quan trọng nhất là tránh được những sai lầm như 2 cuộc chiến Iraq, Afghanistan và nỗ lực thúc đẩy những mục tiêu, dù khiêm tốn đến đâu, bằng con đường ngoại giao. Trong lúc những người chỉ trích gọi đây là bằng chứng của “sự yếu đuối” thì ông Obama lại xem là sự chuyển hướng khôn ngoan khỏi những cuộc chiến hao tốn tiền của và nhân mạng của nước Mỹ. Với cương vị của một tổng tư lệnh quân đội, ông Obama nhấn mạnh sử dụng sức mạnh quân sự là lựa chọn cuối cùng và phải được thực hiện một cách khéo léo.
Lo sợ thất thế trước phe Cộng hòa, trong bài phát biểu hằng tuần mới đây trên đài phát thanh, tổng thống Mỹ “khoe” hơn 20 sắc lệnh hành pháp mà ông đã ký từ đầu năm đến giờ nhằm cải thiện nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, ông Obama không quên phản đối các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cản trở những ý tưởng nghiêm túc nhằm tạo công ăn việc làm và cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Bình luận (0)