Theo người phát ngôn cảnh sát Indonesia, ông Anton Charliyan, cả 5 tên nói trên có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và 2 trong số đó từng có hoạt động cực đoan. Ông Charliyan cũng nói một lá cờ IS được tìm thấy ở hiện trường.
Trong các chiến dịch truy quét ngày 15-1, cảnh sát Indonesia bắn chết 1 tay súng ở Poso, tỉnh Trung Sulawesi và tạm giữ 3 nghi phạm trong ngôi nhà ở Depok, ngoại ô Jakarta. Tuy nhiên, theo ông Charliyan, 3 người bị tạm giữ không liên quan trực tiếp đến vụ ngày 14-1.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang điều tra các mạng lưới bị tình nghi liên quan. Cảnh sát trưởng Jakarta Tito Karnavian cho đài BBC biết nhóm trực tiếp ra tay “rất nhỏ” và đã bị vô hiệu hóa song nhóm này có liên hệ với các nhóm khác ở Sulawesi và Java.
Trước đó, tối 14-1, cảnh sát Indonesia xác định kẻ chủ mưu vụ tấn công Jakarta là Bahrun Naim, có thể đang ở trong hàng ngũ IS tại TP Raqqa - Syria. Reuters cho biết 7 năm trước, Naim lặng lẽ mở một quán cà phê internet ở TP Solo của Indonesia.
Năm 2011, Naim bị bắt vì tội sở hữu vũ khí trái phép. Một năm trước, Naim ra tù và tới Syria, trở thành thủ lĩnh nhóm Katibah Nusantara (Đội Chiến đấu quần đảo Malay; tập hợp hơn 500 tay súng đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan). “Ý định của hắn là tập hợp mọi phần tử ủng hộ IS ở Đông Nam Á” - Cảnh sát trưởng Karnavian nói.
Còn theo trang news.com.au, nếu các vụ tấn công xảy ra theo dự liệu của Naim, Indonesia chắc chắn sẽ nhận lấy kết quả thê thảm hơn cả cuộc khủng bố ở Paris - Pháp hồi tháng 11-2015.
Những ngày này, an ninh được thắt chặt khắp Indonesia. Sân bay quốc tế Ngurah Rai ở Bali báo động cao sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ryamizard Ryacudu ngày 14-1 cho rằng các mục tiêu là Jakarta và Bali.
Tại Singapore, báo The Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ng Eng Hen ngày 15-1 cho biết nước này và Indonesia sẽ đẩy mạnh trao đổi thông tin tình báo. Ở Thái Lan, các quan chức an ninh thắt chặt kiểm tra du khách tại biên giới và người dân được yêu cầu trình báo bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào.
Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ra lệnh bảo vệ các mục tiêu “mềm”, còn cả nước Malaysia được cảnh báo an ninh mức cao nhất.
Theo giới phân tích, vụ tấn công Jakarta chứng thực mối lo ngại lớn nhất của chính phủ các nước Đông Nam Á, đó là những công dân chiến đấu trong hàng ngũ IS ở Trung Đông trở về khủng bố quê nhà. Soufan Group, cơ quan tư vấn an ninh có trụ sở ở New York, ước tính có 500-700 công dân Indonesia ra nước ngoài để gia nhập IS và rất nhiều trong số này đã trở về. Ở Malaysia, chính phủ ước tính có 50.000 người ủng hộ IS.
Đông Nam Á chiếm 15% dân số theo đạo Hồi trên toàn cầu và sẵn có nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan và miền Nam Philippines. Nhiều nhóm trong số này đã thề trung thành với IS. Do đó, chuyên gia về khủng bố Đông Nam Á Rohan Gunaratna kêu gọi các chính phủ trong khu vực phối hợp để ngăn chặn việc thành lập một khu vực vệ tinh của IS ở đây.
Bình luận (0)