Cảnh sát Philippines hôm 15-3 phong tỏa vùng đô thị Manila nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) đang gây ra đại dịch Covid-19. Giao thông nội địa đường bộ, thủy và hàng không đi đến và từ vùng đô thị Manila bị giới hạn. Các tuyến đường chính vào thủ đô Manila 12 triệu dân cũng bị chặn.
Theo lệnh phong tỏa kéo dài 1 tháng, các cuộc tụ tập đông người và lớp học ở tất cả các cấp cũng đã bị hủy. Giới chức cho biết họ cũng đang giới hạn hoạt động của Trung tâm Tim mạch Philippines sau khi 13 nhân viên tại đây tiếp xúc với một người nhiễm Covid-19.
Dù vậy, thủ đô Manila không bị phong tỏa hoàn toàn. Những người đi làm vẫn được phép qua các trạm kiểm soát trong khi xe buýt và tàu lửa tiếp tục hoạt động bên trong thủ đô này. Dòng chảy của hàng hóa, lương thực và nhu yếu phẩm cũng không bị ảnh hưởng trong khi các hoạt động tôn giáo được phép tiếp diễn miễn là khoảng cách 1 m giữa những người tham dự được bảo đảm.
Binh sĩ Philippines tại thủ đô Manila hôm 14-3, một ngày trước khi lệnh phong tỏa được thực thi Ảnh: BLOOMBERG
Mặc dù Philippines không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như những điểm nóng như Trung Quốc hay Ý, số ca nhiễm tại quốc gia này trong thời gian qua đã tăng lên 140 ca, trong đó có 11 trường hợp tử vong. "Người dân được khuyên nên ở nhà và đừng làm gì cả. Chúng tôi đang giống như Ý cách đây 2 tháng. Vào thời điểm đó, họ tranh cãi về việc có nên ban bố lệnh phong tỏa hay không" - Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano khẳng định, đồng thời nhấn mạnh tình huống tương tự không được phép xảy ra tại quốc gia của ông. Tuy nhiên, theo trang tin Bloomberg, những trường hợp ngoại lệ như trên khiến giới chuyên gia y tế công hoài nghi về mức độ hiệu quả của lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, giới chức y tế Thái Lan hôm 15-3 thông báo thêm 32 ca nhiễm Covid-19, mức tăng một ngày cao nhất, lên tổng số 114 ca. Trong số 32 bệnh nhân mới, có 3 nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok. Toàn bộ 51 người từng tiếp xúc với những ca nhiễm mới nêu trên đã được xét nghiệm và đang chờ kết quả. "Đây là một bước ngoặt. Quá trình kiểm soát dịch bệnh của chúng tôi cần phải nhanh hơn nữa để theo kịp tốc độ lây lan. Chúng tôi đang nỗ lực cách ly người nhiễm để ngăn ngừa lây nhiễm" - ông Thanarak Phaliphat, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, nhấn mạnh.
Cùng ngày, đài CNN dẫn lời quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết tổng số ca nhiễm tại nước này đã tăng thêm 21 ca lên tổng số 117 ca, trong đó có 5 ca tử vong. Tổng thống Joko Widodo cho biết ông sẽ xét nghiệm Covid-19 cùng với một số bộ trưởng, sau khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Budi Karya Sumadi bị chẩn đoán nhiễm virus.
Trong khi đó, Bộ Y tế Malaysia hôm 15-3 thông báo thêm 190 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 428 ca. Phần lớn những ca nhiễm mới liên quan đến một sự kiện tôn giáo gần thủ đô Kuala Lumpur với sự tham gia của khoảng 16.000 người đến từ nhiều nước, trong đó có khoảng 14.500 người Malaysia. Bộ Y tế Malaysia tuyên bố tất cả những người tham gia sự kiện này cùng với những người tiếp xúc gần sẽ bị cách ly bắt buộc trong 14 ngày.
Còn tại Singapore, các đảng phái đối lập hôm 15-3 kêu gọi chính phủ không tổ chức tổng tuyển cử trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành để bảo đảm an toàn cho hơn 2,6 triệu cử tri. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết hiện có 2 lựa chọn về thời điển tiến hành bầu cử - hoặc là hy vọng tình hình ổn định trước khi nhiệm kỳ hiện nay khép lại hoặc kêu gọi bầu cử sớm. Singapore hiện ghi nhận 212 ca Covid-19 và phải tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm 2021.
Myanmar giải thích lý do chưa có ca nhiễm
Chính phủ Myanmar hôm 15-3 bác bỏ nghi vấn nước này có các ca Covid-19 chưa bị phát hiện. Ông U Zaw Htay, phát ngôn viên chính phủ, khẳng định Myanmar chưa có bất cứ ca nhiễm nào một phần nhờ "lối sống cũng như chế độ ăn uống" của người dân. Theo ông Htay, không giống như phương Tây, Myanmar không có phong tục bắt tay, ôm hoặc hôn chào hỏi và điều này giúp hạn chế tiếp xúc gần.
Bình luận (0)