Con tàu thứ hai này tiếp cận Úc thông qua vùng biển Solomon quanh Papua New Guinea. Trước đó, một tàu tình báo hỗ trợ lớn hơn của Trung Quốc đã bị phát hiện khi đang hướng về Úc qua eo biển Torres và bị lực lượng quốc phòng Úc giám sát.
Các tàu này dự kiến theo dõi cuộc tập trận Talisman Sabre, cuộc hợp tác huấn luyện quân sự thường kỳ giữa Mỹ và Úc diễn ra 2 năm/lần, kéo dài từ ngày 14 đến 31-7.
Các binh sĩ Úc tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre năm 2019. Ảnh: Bộ Chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ
Theo kênh ABC (Úc) dẫn lời các quan chức lực lượng quốc phòng, tuy Bắc Kinh từng sử dụng các biện pháp thu thập thông tin tình báo trong những lần trước đó nhưng đây là lần đầu tiên nước này triển khai con tàu thứ hai, động thái đánh dấu một diễn biến bất thường.
Hơn 17.000 binh sĩ từ Úc và Mỹ đang tham gia cuộc diễn tập Talisman Sabre.
Đề cập sự xuất hiện của con tàu đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho rằng đó là lời nhắc nhở về lực lượng quân sự Trung Quốc luôn hiện diện trong khu vực. Quan chức này nói: "Chúng tôi đã thấy các hoạt động trước đây có sự hiện diện của người Trung Quốc và chúng tôi đã theo dõi trong một thời gian. Chúng tôi hy vọng họ hành động theo luật pháp quốc tế cũng như không có gì xảy ra một khi chúng tôi di chuyển qua vùng biển gần Trung Quốc".
Lực lượng Quốc phòng Úc cho biết các cuộc tập trận, phần lớn sẽ được tổ chức tại các căn cứ quân sự ở bang Queensland và ngoài khơi, được thực hiện nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa các đồng minh.
Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand cũng sẽ tham gia cuộc tập trận trong khi Pháp, Đức, Ấn Độ và Indonesia cử quan sát viên đến tham dự.
Truyền thông địa phương đưa tin Bắc Kinh từng cử các tàu tương tự đến giám sát Talisman Sabre vào các năm 2019 và 2017. Theo ABC, hồi năm 2019, một tàu Trung Quốc di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Úc.
Khi được hỏi về sự hiện diện trên biển của Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan hôm 18-7 cho biết: "Chúng tôi có các quy tắc và muốn mọi người tuân thủ các quy tắc đó khi nói đến tự do hàng hải".
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Canberra và Bắc Kinh, vốn đã trở nên trầm trọng hơn khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19 vào năm ngoái.
Kể từ sau kiến nghị ban đầu của ông Morrison, Bắc Kinh đã tiến hành một loạt biện pháp trả đũa thương mại đối với hàng hóa Úc, bao gồm than đá, rượu vang và lúa mạch. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi những động thái này của Trung Quốc là "cưỡng ép kinh tế".
Bình luận (0)