Giới chức Anh ước tính Nga đang huy động thêm 14 tiểu đoàn đến Ukraine (mỗi tiểu đoàn có khoảng 800 binh sĩ) bên cạnh 100 tiểu đoàn đã tập trung tại khu vực này.
Tối 14-2, Thủ tướng Johnson điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và kết luận rằng vẫn còn thời gian cho nỗ lực ngoại giao và cho Nga xuống thang căng thẳng.
Văn phòng Thủ tướng Johnson tiết lộ 2 nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết và Nga sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài nếu tấn công Ukraine. Mỹ và Anh sẽ không đưa quân đến hỗ trợ nếu Kiev bị Moscow tấn công.
Anh tin rằng Nga đã huy động khoảng 60% lực lượng bộ binh, gia tăng gấp đôi không lực ở biên giới Ukraine nhưng Tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa quyết định tấn công.
Các bộ trưởng Anh nhận định nhà lãnh đạo Nga có thể kéo dài khủng hoảng, gia tăng sức ép quân sự lên Ukraine thêm nhiều tuần hoặc thậm chí lâu hơn.
Binh sĩ Ukraine nhận viện trợ quân sự của Mỹ gần thủ đô Kiev - Ukraine. Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin nhiều lần phủ định kế hoạch xâm lược Ukraine. Theo báo The Guardian, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 14-2 đề xuất với Tổng thống Putin rằng Moscow cần duy trì và mở rộng các cuộc đàm phán với phương Tây ở thời điểm hiện tại.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết lượng nhân viên ngoại giao ít ỏi còn lại của Đại sứ quán Mỹ ở Kiev sẽ được sơ tán đến TP Lviv - phía Tây của Ukraine, vì những nỗi lo xoay quanh tốc độ tăng cường hiện diện quân sự của Nga.
Cũng trong ngày 14-2, một quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ với đài CBS News rằng Nga bắt đầu đưa một vài đơn vị, hệ thống phóng rốc-két và pháo tầm xa gần biên giới Ukraine đến "vị trí tấn công".
Giới chức Mỹ khẳng định Nga hiện đã tập trung khoảng 80% lực lượng cần thiết cho một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine và phần còn lại đang trên đường đến các điểm tập kết.
Một chiếc xe tăng tham gia tập trận ở vùng Leningrad - Nga. Moscow sẽ sớm hiện diện hơn 110 tiểu đoàn dọc biên giới Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Bình luận (0)