Báo South China Morning Post (SCMP) cho biết Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ hôm 21-10 đã liên lạc với gia đình hai người phụ nữ để tư vấn pháp lý sau khi họ bị bắt vào tuần trước.
Đại sứ quán cũng khuyến cáo công dân Trung Quốc không mua khăn choàng làm từ lông linh dương Tây Tạng, loài động vật được Liên minh Bảo tồn Thế giới (WCU), Trung Quốc và Ấn Độ đưa vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.
"Chúng tôi đã nhắc nhở công dân Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt luật bảo vệ động vật hoang dã của Ấn Độ và các quy định khác. Họ không được mang theo động vật và thực vật hoang dã bị cấm" – quan chức tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ Zhao Jun nói với phóng viên.
Linh dương Tây Tạng. Ảnh: Tân Hoa Xã
Khăn choàng làm từ lông linh dương Tây Tạng. Ảnh: AP
Các phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết hai người phụ nữ trên - nhập cảnh bằng thị thực du lịch - mang theo 15 chiếc khăn choàng trị giá khoảng 38.000 USD mỗi chiếc. Để làm được một chiếc khăn như vậy, người ta phải giết 3-4 con linh dương Tây Tạng.
Trên mạng xã hội Weibo, du khách Trung Quốc cũng đề cập tới loại khăn choàng này khi tới Ấn Độ. Cư dân mạng Misty Ocean viết: "Lúc tôi uống trà, nhân viên bán hàng lấy ra một chiếc vali. Anh ta mở hộp và tôi đặt tay lên trên một chiếc khăn có giá 3.600 nhân dân tệ (500 USD)... Nó rất khác so với bất kỳ loại vải nào mà tôi từng chạm vào. Ở Trung Quốc không bán chúng".
Theo truyền thông Trung Quốc, hai người phụ nữ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 450.000 nhân dân tệ (64.800 USD) mỗi người và từ 3-7 năm tù giam.
Những kẻ săn trộm linh dương Tây Tạng bị bắt ở Trung Quốc năm 2003. Ảnh: Tân Hoa Xã
Kể từ năm 1975, việc mua bán khăn choàng làm từ lông linh dương Tây Tạng bị cấm theo Công ước buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp quốc tế nhưng chúng vẫn được giao dịch trên thị trường chợ đen. Mỗi năm, khoảng 20.000 con linh dương Tây Tạng bị săn trộm để cung cấp nhu cầu khăn choàng cho những người mua giàu có bên ngoài Ấn Độ.
Loài động vật này hiện đã tuyệt chủng ở Nepal. Tuy nhiên, 75.000-100.000 con linh dương Tây Tạng đang sinh sống dọc biên giới Himalaya giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Bình luận (0)