Quân đội Nga hôm 27-12 cho biết đã triển khai loại vũ khí siêu thanh có khả năng bay ở tốc độ cực nhanh và dễ dàng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tướng Sergei Karakayev, Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga, cho biết vũ khí mới này được triển khai cùng với một đơn vị quân sự ở thị trấn Yasny thuộc vùng Orenburg, sát biên giới với Kazakhstan.
Theo báo The New York Times, động thái trên có thể khiến cuộc đua vũ trang lâu nay giữa hai cường quốc hạt nhân này sang chương mới. Giới chức Mỹ cho biết họ không mấy nghi ngờ chuyện Nga đang sở hữu một loại vũ khí siêu thanh được lắp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, di chuyển ở tốc độ hơn 6.115 km/giờ. Nếu hệ thống mới nói này, gọi là "Avangard", vận hành được như những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả vũ khí này vào đầu tuần, nó sẽ cải thiện đáng kể năng lực của lực lượng hạt nhân Moscow. "Avangard là vũ khí có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện nay và trong tương lai nhờ khả năng thay đổi quỹ đạo trong hành trình" - ông chủ Điện Kremlin cho biết hồi đầu tuần này, đồng thời nhấn mạnh Nga đang dẫn đầu thế giới về vũ khí siêu thanh.
Với tốc độ cực nhanh và quỹ đạo bay khó lường, vũ khí siêu thanh khó có thể bị theo dõi, nói chi đến chuyện bắn hạ bởi các hệ thống hiện nay. Các quan chức quân sự cấp cao Mỹ nói Washington có kế hoạch triển khai vũ khí siêu thanh của riêng mình vào năm 2022 dù một số chuyên gia tin rằng thời gian biểu này là quá lạc quan.
Hệ thống vũ khí siêu thanh AvangardẢnh: Bộ Quốc phòng Nga
Một số nhà phân tích cho rằng bước đi trên của Nga còn nhằm thúc ép Mỹ đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược Mới (START Mới), dự kiến hết hạn vào năm 2021. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí còn lại giữa hai nước, theo đó hạn chế số lượng bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược và đầu đạn được triển khai. Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần cho biết ông chỉ đồng ý gia hạn hiệp ước này nếu có thêm một số nước tham gia, trong đó có Trung Quốc. Dù vậy, Bắc Kinh tuyên bố không quan tâm đến việc hạn chế số lượng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Quân đội Mỹ từng được xem là vượt trước các nước về công nghệ siêu thanh nhưng tốc độ phát triển công nghệ này đã chậm lại trong những năm gần đây. "Trung Quốc và Nga xem vũ khí siêu thanh là một ưu tiên quốc gia. Chúng ta lại không như thế" - ông William B. Roper, quan chức phụ trách mua sắm và công nghệ của Không quân Mỹ, nhận định hôm 27-12. Đối mặt sức ép từ Nga, Mỹ đang dành khoản ngân sách đáng kể cho việc phát triển cả vũ khí mới lẫn hệ thống phòng thủ nhằm đối phó vũ khí siêu thanh. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Robert Carver khẳng định vũ khí siêu thanh là một ưu tiên nghiên cứu và phát triển của cơ quan này.
Trước mắt, theo một số chuyên gia, mối đe dọa của vũ khí siêu thanh Nga đối với Mỹ dường như hạn chế vì số lượng được triển khai tương đối thấp. Dù vậy, ông Daryl G. Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Mỹ), cho rằng hai bên nên đưa nội dung vũ khí siêu thanh vào bất kỳ cuộc thương thảo về hiệp ước mới. Hiệp ước START Mới hiện không cấm lắp vũ khí siêu thanh lên tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Nga bắt đầu cải thiện sức mạnh lực lượng tên lửa chiến lược sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước tên lửa chống đạn đạo vào năm 2002 để mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa của mình. Moscow hiện theo đuổi một số dự án vũ khí, trong đó có loại ngư lôi hạt nhân tầm xa và tên lửa hành trình hạt nhân mới. Cả 2 loại vũ khí này đều không thuộc phạm vi điều chỉnh của START Mới nhưng quá trình phát triển vẫn còn mất nhiều năm.
Cuộc đua không gian cũng nóng
Trung Quốc hôm 27-12 đã phóng thành công tên lửa Trường Chinh 5 mang theo vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo vệ tinh tầm cao. Đây là bước đi quan trọng trong tham vọng chinh phục sao Hỏa và củng cố vị trí cường quốc thám hiểm không gian của Bắc Kinh. Cụ thể, vụ phóng mới nhất này có thể mở đường cho các dự án không gian đầy tham vọng hơn của nền kinh tế thứ hai thế giới như sứ mệnh trên mặt trăng và sao Hỏa cùng với một trạm không gian có người lái.
Theo đài CNN, tên lửa Trường Chinh 5 được phát triển để phục vụ mục tiêu phóng tàu thăm dò sao Hỏa vào năm 2020. Ngoài ra, Trung Quốc đã vượt mặt Nga và Mỹ về số lượng vụ phóng lên quỹ đạo trong năm 2019 (34 lần). Ngoài ra, Trung Quốc hồi tháng 1-2019 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đáp tàu thăm dò xuống vùng tối của mặt trăng. Đến năm 2020, sứ mệnh trong không gian tiếp theo của Bắc Kinh là đáp tàu vũ trụ trên mặt trăng, thu thập các mẫu vật và trở về trái đất. Nước này cũng lên kế hoạch phóng một trạm vũ trụ nặng 20 tấn vào năm 2022 và đưa tàu vũ trụ có người lái lên mặt trăng vào những năm 2030.
Không chịu thua kém, Mỹ đang tăng cường nỗ lực duy trì vị thế trên không gian thông qua việc lập lực lượng không gian. Ấn Độ cũng không muốn đứng ngoài cuộc khi tiến hành phóng thành công tàu không gian Chandrayaan 2 hồi tháng 7-2019 dù gặp thất bại với sứ mệnh tàu đổ bộ mặt trăng Vikram 2 tháng sau đó.
Tường Châu
Bình luận (0)