Tuy nhiên, ông Elbridge Colby, cựu trợ lý thứ trưởng quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng của chính quyền Tổng thống Trump, khẳng định "lý do quan trọng nhất là Trung Quốc".
Vì không bị INF ràng buộc, Trung Quốc đã phát triển kho tên lửa tầm trung lớn nhất thế giới, bao gồm DF-21 và DF-26, theo báo Asahi Shimbun (Nhật Bản).
Mỹ đã củng cố lá chắn tên lửa của họ bằng cách thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo với Nhật Bản. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ khẳng định năng lực tên lửa đạn đạo tầm trung của Bắc Kinh đã trội hơn Washington cả về số lượng lẫn chất lượng. "Hiện tại, chúng ta không thể chống đỡ chỉ với một "tấm khiên", chúng ta cần thêm một "ngọn giáo’" - quan chức này khẳng định.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc có tầm bắn 4.500 km và khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân Ảnh: REUTERS
Theo truyền thông Mỹ, ngay khi INF hết hiệu lực, chính quyền Tổng thống Trump sẽ triển khai tên lửa hành trình tầm trung trên đất liền vào tháng 8, trước khi thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung vào tháng 11.
Ngoài ra, Washington còn lên kế hoạch triển khai chuyển tiếp tên lửa tầm trung truyền thống đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhiều khả năng là Nhật Bản và Philippines, theo một nguồn tin mật từ Lầu Năm Góc. Nếu điều này xảy ra, vùng Viễn Đông có nguy cơ biến thành địa điểm chiến tranh tên lửa giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong lúc tuyên bố rút Mỹ khỏi INF, Tổng thống Trump kêu gọi thiết lập một hiệp ước đa phương mới bao gồm Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác ý tưởng này. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô Khiêm, tuyên bố hồi cuối tháng 3 rằng: "INF là hiệp ước song phương giữa Mỹ và Nga. Trung Quốc phản đối sự đơn phương vô hiệu hóa của Mỹ, cũng như sự đa phương hóa đối với hiệp ước này".
Bình luận (0)