Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere hôm 13-9 cho biết các điểm kiểm soát ban đầu sẽ được thiết lập tại biên giới Đức – Áo. Mục đích của chiến dịch nhằm hạn chế dòng người quá lớn và tái lập tình trạng nhập cư một cách trật tự.
Ông Maiziere nói người tị nạn "không thể chọn nước để đến" và kêu gọi các nước EU hành động nhiều hơn nữa. Cơ quan Đường sắt Liên bang Áo (AFR) cho hay Đức vừa ngưng dịch vụ tàu lửa đến và đi từ Áo trong vòng 13 giờ, bắt đầu lúc 15 giờ ngày 13-9 tới 6 giờ ngày 14-9 (giờ địa phương).
Việc Berlin kiểm soát biên giới diễn ra vài giờ sau khi 42 người di cư Iraq và Syria được phát hiện còn sống bên trong một chiếc xe tải đông lạnh do 2 tài xế người Iraq cầm lái ở TP Aistersheim, phía Tây Bắc nước Áo, cách biên giới Đức khoảng 50 km. Những người này, trong đó có 5 phụ nữ và 8 trẻ em, vẫn khỏe mạnh khi được tìm thấy.
Chiều tối 13-9, nhà ga trung tâm TP Munich - Đức sơ tán hành khách sau khi có thiết bị bị tình nghi là chất nổ được phát hiện tại đây. Khoảng 2 giờ sau, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Munich đang trở thành điểm nóng mới về người tị nạn tại Đức khi chỉ riêng trong ngày 13-9 đã có tới 4.500 người tị nạn đến đây và tính cả là tháng 8 là 63.000 người.
Hôm 13-9, 28 người – phân nửa là trẻ em – đã thiệt mạng ngoài khơi hòn đảo Farmakonisi của Hy Lạp. Ít nhất 125 người có mặt trên chiếc thuyền gỗ lúc nó bị lật trên biển Aegean. Cảnh sát biển Hy Lạp cứu được 68 người, 29 người khác bơi vào bờ và 28 nạn nhân nói trên tử nạn. Tuy nhiên, theo đài BBC, ít nhất 34 người tử nạn, trong đó có 11 trẻ em.
Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết: “Quyết định của Đức ngày hôm nay nhấn mạnh sự cấp thiết việc phải đồng ý các biện pháp do EC đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn”.
Theo phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức Tobias Plate, mỗi ngày có khoảng 10.000 người di cư nhập cảnh vào quốc gia này. Bộ trưởng Nội vụ Đức cho rằng kiểm soát biên giới là do “lý do an ninh khẩn cấp”.
Trong những tuần gần đây, các nước châu Âu phải đối mặt với làn sóng di cư ồ ạt tràn qua biên giới. Tuần trước, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đưa ra đề xuất hạn ngạch bắt buộc đối với các nước EU để tiếp nhận khoảng 120.000 người tị nạn, bao gồm các nước Ý, Hy Lạp và Hungary.
Đức ủng hộ đề xuất của EC nhưng bộ trưởng các nước thành viên sẽ tổ chức một cuộc họp ở Brussels – Bỉ ngày 14-9 để thảo luận thêm.
Bình luận (0)