Thủ tướng Đức Angela Merkel lo ngại trước thông tin tình báo Mỹ có thể đã theo dõi các liên lạc trên điện thoại di động của bà Ảnh: Reuters
Bộ Ngoại giao Đức hôm 24-10 đã triệu đại sứ Mỹ đến để chất vấn về thông tin tình báo nước này có thể đã theo dõi các liên lạc trên điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel. Đài BBC nhận định đây là phản ứng bất thường giữa những đồng minh thân cận như Đức và Mỹ.
Trước đó một ngày, đích thân bà Merkel đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Barack Obama để làm rõ thông tin trên. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert, ra tuyên bố cho biết: “Thủ tướng Merkel tuyên bố với Tổng thống Obama rằng nếu là sự thật, bà coi đó là hành vi hoàn toàn không thể chấp nhận và yêu cầu phải ngăn chặn tức thì”.
Theo tuyên bố, nhà lãnh đạo Đức còn yêu cầu Washington “giải thích ngay lập tức và thỏa đáng” về hành động “làm tổn hại nghiêm trọng niềm tin” này. Tuyên bố nhấn mạnh: “Giữa bạn bè và đối tác thân cận qua nhiều thập kỷ - như Đức với Mỹ - không nên tồn tại bất cứ hình thức giám sát thông tin nào đối với người đứng đầu chính phủ”.
Phía Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã bảo đảm với Thủ tướng Merkel rằng Mỹ “hiện không theo dõi và sẽ không theo dõi” các liên lạc của bà. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney không nói rõ liệu điện thoại của bà Merkel có từng bị theo dõi trong quá khứ hay không. Ông Carney nói rằng Washington đang kiểm tra những lời than phiền của Đức, Pháp cũng như các đồng minh khác của Mỹ về việc theo dõi.
Đài BBC nhận định rằng việc Đức đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gọi điện cho thấy bà Merkel vẫn chưa mấy yên tâm về những lời trấn an của ông Obama. Chính phủ Đức không tiết lộ làm thế nào họ nhận được thông tin Mỹ có thể đã theo dõi điện thoại bà Merkel. Tuy nhiên, tạp chí Der Spiegel khẳng định nó xuất phát từ các cuộc điều tra của họ.
Hồi tháng 7, tạp chí này dẫn lời Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và là người rò rỉ tài liệu mật về chương trình theo dõi của Washington, cho rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) hợp tác với các đồng nghiệp Đức để theo dõi điện thoại, email ở nước này. Tuy nhiên, bà Merkel khẳng định không biết gì về sự cộng tác đó.
Các cáo buộc do thám nhằm vào Mỹ đã bao phủ lên hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels - Bỉ trong ngày 24-10 sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Paris đang phản ứng giận dữ trước tiết lộ của báo Le Monde. Theo đó, NSA từng thu thập dữ liệu của hàng chục triệu cuộc gọi tại nước này. Theo đài BBC, nhiều nhà lãnh đạo khác có thể cũng muốn Mỹ làm rõ về những hoạt động của NSA ở châu Âu.
Phản ứng của các đồng minh Pháp và Đức là thách thức ngoại giao mới nhất mà Mỹ phải đối mặt kể từ khi “người thổi còi” Snowden cung cấp tài liệu mật cho giới truyền thông. Ông Michel Barnier - một nhà ngoại giao Pháp, hiện là cao ủy về thị trường và các dịch vụ của EU - nhận định lòng tin đối với nước Mỹ đã bị lung lay.
NSA theo dõi hơn 124 tỉ cuộc gọi trong 30 ngày Theo tiết lộ mới nhất của website tin tức The Washington Free Beacon (Anh), NSA đã thu thập thông tin của hơn 124 tỉ cuộc gọi khắp thế giới trong khoảng thời gian 30 ngày vào năm nay. Khoảng 3 tỉ cuộc gọi trong số đó xuất phát từ Mỹ. Thông qua chương trình Boundless Informant của NSA, người sử dụng có thể lựa chọn một đất nước trên bản đồ và xem dữ liệu về các cuộc gọi hoặc hoạt động giao tiếp trên máy tính được thu thập khắp thế giới. Khả năng NSA kiểm tra nội dung của toàn bộ cuộc gọi nêu trên là không nhiều dù cơ quan này vẫn có thể chọn ra một cuộc trao đổi nào đó để tìm hiểu nếu muốn. |
Bình luận (0)