Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 4-6 tuyên bố thỏa thuận Minsk về cuộc xung đột ở Đông Ukraine đang trong tình trạng thường trực bị đe dọa phá vỡ do các hành động “trốn tránh trách nhiệm” của chính quyền Kiev.
Cáo buộc lẫn nhau
Khu vực Donbass vốn không hề im hẳn tiếng súng trong suốt gần 4 tháng qua kể từ khi thỏa thuận Minsk được ký kết hồi tháng 2. Thế nhưng, bắt đầu từ sáng 3-6, chiến sự đã trở nên ác liệt hơn.
Điển hình là trận đánh tại TP Marinka thuộc vùng Donetsk với xe tăng và trọng pháo cùng hàng ngàn tay súng ở cả 2 bên, hậu quả là hàng trăm người thương vong. Quân đội Ukraine cho biết 5 binh sĩ nước này tử trận và 38 người bị thương.
Quân chính phủ Ukraine chiều 4-6 tuyên bố đã ổn định tình hình ở Marinka
Ảnh: KORRESPONDENT.NET
Trong khi đó, Phó Tư lệnh lực lượng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) Eduard Basurin cho biết đã có 21 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương do các loạt đạn pháo từ phía lực lượng chính phủ Kiev. Ngoài ra, theo báo Vzglyad, ông không loại trừ khả năng trận chiến ở Marinka có thể là cuộc diễn tập của quân đội Kiev trước khi tiến hành cuộc tấn công quy mô vào vùng Luhansk.
Hai phe đều cáo buộc lẫn nhau về việc nổ súng trước và phá vỡ thỏa thuận Minsk. Rõ ràng là cả quân chính phủ lẫn phe ly khai đều đã lợi dụng khoảng thời gian ngưng bắn vừa qua để chuẩn bị cho hành động nối lại chiến sự. Ngoài Marinka, nhiều địa phương như Shirokino, Gnutova, Zolotoye, Peski và Novotroitskoe cũng xảy ra giao tranh.
Phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine hôm 4-6 đã công bố bản báo cáo về tình hình chiến sự ở Marinka. Các quan sát viên OSCE cho biết từ chiều 2-6, họ chứng kiến cảnh lực lượng DPR di chuyển một số lượng lớn vũ khí hạng nặng ở Marinka, trong đó có xe tăng, pháo 122 mm, xe bọc thép, xe tải quân sự.
Đến sáng 3-6, theo hãng tin RIA Novosti, họ xác nhận nghe thấy những loạt đạn pháo và tên lửa từ các vị trí đóng quân của DPR. Các quan sát viên đóng ở trung tâm Donetsk cũng nghe thấy gần 100 phát đạn pháo hạng nặng hướng về phía Donetsk.
EU dọa siết trừng phạt Nga
Trong bài phát biểu thường niên trước quốc hội Ukraine hôm 4-6, Tổng thống Petro Poroshenko cảnh báo “mối đe dọa nghiêm trọng” từ các cuộc tấn công mới quy mô lớn của phe ly khai. Theo ông, hiện có hơn 9.000 binh sĩ Nga hiện diện ở Ukraine.
Chiến sự ở Đông Ukraine trở nên khốc liệt hơn sau khi cuộc gặp gỡ giữa Nga, Ukraine và OSCE ở thủ đô Minsk - Belarus hôm 2-6 thất bại. Các lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ tập trung thảo luận vấn đề Ukraine tại hội nghị cấp cao ở Đức vào cuối tuần này.
Trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lên tiếng ủng hộ việc Nga nhanh chóng trở lại G7 với lý do phương Tây cần Moscow để giải quyết các cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Libya.
“Chúng ta không thể chấp nhận chuyện G8 mãi mãi trở thành G7. Chúng ta cần Nga để giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra tại Syria, Iraq và Libya cũng như quanh chương trình hạt nhân của Iran” - báo Deutsche Welle (Đức) ngày 4-6 trích phát biểu của ông Steinmeier.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hợp tác kinh tế Đức Gerd Muller tuyên bố thời điểm Nga trở lại G7 phụ thuộc vào việc nước này có ngưng hỗ trợ phe ly khai Ukraine vi phạm thỏa thuận Minsk hay không.
Trước mắt, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo có thể siết chặt lệnh trừng phạt Nga và kéo dài các biện pháp chống Moscow đến cuối tháng 1-2016. Báo The Wall Street Journal đưa tin một số quan chức cao cấp và nhà ngoại giao EU cho rằng bước đi này sẽ càng tăng sức ép để buộc Điện Kremlin thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk.
Dù vậy, một số quan chức EU lo ngại động thái trên sẽ làm gia tăng căng thẳng với Nga bởi Moscow chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả - theo hãng tin Newsru.
Nga vẫn có nguy cơ suy thoái
Theo trang tin Sputnik News, phát biểu tại đại hội ngân hàng quốc tế lần thứ 24 ở TP St. Petersburg hôm 4-6, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết kim ngạch xuất khẩu nước này bị sụt giảm 150-170 tỉ USD/năm, một phần do tác động của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt.
Trước đó 1 ngày, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin khẳng định với các nhà báo rằng nền kinh tế Nga có thể vẫn bị suy thoái vào quý I/2016.
Bình luận (0)