Người tiêu dùng và doanh nghiệp tại nhiều nước có thể mỉm cười khi được sử dụng nhiên liệu giá rẻ nhưng những nước có kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu như Iran, Iraq, Nga, Venezuela… lại thất thu ngân sách.
Các công ty khai thác dầu cũng chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, buộc họ giảm bớt chi tiêu cho những dự án thăm dò mới. Vấn đề được quan tâm là tại sao giá dầu không ngừng sụt giảm? Hồi tháng 6, giá dầu thô Brent vọt lên đến 115 USD/thùng; đến ngày 18-12, chỉ còn 62 USD/thùng.
Trong thập kỷ qua, giá dầu luôn ở mức cao do nhu cầu tăng mạnh tại những nước như Trung Quốc và xung đột tại những nước sản xuất giá dầu chủ chốt, nhất là Libya. Cung không đủ cầu nên giá dầu tăng cao là không có gì bàn cãi.
Giá cao cũng là yếu tố thúc đẩy các nhà sản xuất dầu ở Canada hoặc Mỹ tìm kiếm nguồn năng lượng mới, như dầu khí đá phiến, dầu cát… Theo thời gian, nhu cầu về dầu tại châu Âu, châu Á và Mỹ bắt đầu sụt giảm do kinh tế suy yếu. Xung đột ở Libya cũng không còn nghiêm trọng như trước. Trong những tháng cuối năm 2014, nguồn cung tăng nhiều hơn so với nhu cầu thực sự.
Đến tháng 9, giá dầu bắt đầu giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà quan sát chờ xem liệu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có cắt giảm sản lượng khai thác để ngăn dầu giảm giá hay không. Tuy nhiên, tại hội nghị vào tháng 11, OPEC khiến cả thế giới ngạc nhiên khi quyết định vẫn duy trì sản lượng khai thác 30 triệu thùng/ngày khiến giá dầu rơi tự do cho đến giờ. Ả Rập Saudi, thành viên chủ chốt của OPEC, không muốn từ bỏ thị phần, đồng thời hy vọng giá dầu xuống thấp sẽ ngăn chặn ngành công nghiệp dầu khí đá phiến ở Mỹ bùng nổ thêm.
Đài Al-Jazeera còn chỉ ra một nguyên nhân khả dĩ mang tính địa - chính trị: Một số nước thành viên OPEC - như Ả Rập Saudi, Qatar - đang hậu thuẫn phe đối lập trong cuộc nội chiến ở Syria và muốn sử dụng giá dầu thấp để “trừng phạt” Iran và Nga vì ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Nhu cầu về dầu dự kiến vẫn tiếp tục tăng trong năm 2015 nhưng không nhiều. Nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Âu - những nơi tiêu thụ dầu hàng đầu sau Mỹ - đang chững lại hoặc đi xuống. OPEC dự báo thế giới chỉ cần 28,9 triệu thùng dầu/ngày trong năm tới (thấp hơn 1,1 triệu thùng so với sản lượng khai thác dự kiến của khối). Sự thừa cung này khiến giá dầu khó tránh khỏi nguy cơ tiếp tục tuột dốc, nhất là khi OPEC đánh tiếng sẵn sàng chấp nhận mức giá 40 USD/thùng trước khi xem xét bước đi tiếp theo.
Kinh tế thế giới suy thoái?
Tại Mỹ, giá xăng bình quân hiện giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2009, giúp các hộ gia đình tiết kiệm 100 USD/tháng. Giá dầu giảm còn đóng vai trò như biện pháp cắt giảm thuế và giúp tăng chi tiêu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế sợ rằng đó có thể là dấu hiệu kinh tế thế giới suy thoái, đe dọa làm tổn thương chính nước Mỹ như giảm kim ngạch xuất khẩu, hoạt động tuyển dụng và chi tiêu. Những thiệt hại này nếu tính chung có thể lớn hơn những lợi ích kinh tế có được từ nhiên liệu rẻ hơn.
Bình luận (0)