Mỗi năm, khoảng 9 triệu tấn chất thải nhựa của con người đi vào đại dương và lượng rác thải không thể phân hủy này dự kiến tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2015-2025.
Trong số hàng loạt tổ chức và nhà hoạt động chạy đua để xoay chuyển tình thế trên, một dự án mới ở phía Bắc TP Melbourne - Úc đang gây ấn tượng khi biến các túi nhựa thải thành vật liệu làm đường.
Theo kênh ABC News (Úc), một đoạn đường 300 m trên đại lộ Rayfield ở vùng ngoại ô Craigieburn đã được xây dựng từ vật liệu bổ sung làm ra từ 530.000 túi nhựa, hơn 12.000 hộp mực máy in tái chế và 168.000 chai thủy tinh. Giới chức địa phương nhận định sáng kiến tuyệt vời này sẽ được nhân rộng ra toàn thành phố nếu dự án thành công.
Các thử nghiệm cho thấy con đường mới nói trên chống chịu thời tiết cực đoan tốt hơn trong khi chi phí bỏ ra tương đương với cách làm đường truyền thống.
Đây là lần đầu tiên vật liệu bổ sung trên được sử dụng và kết quả thậm chí khiến cả nhà phát minh ra nó - Công ty Close the Loop - cũng phải sửng sốt. "Nó không chỉ cạnh tranh (về chi phí) mà còn giúp mặt đường có sức chịu lực lớn hơn, độ bền lớn hơn. Và thật tuyệt diệu khi giải pháp này tận dụng được những sản phẩm bị vứt đi" - Chủ tịch Close the Loop, ông Craig Devlin, chia sẻ.
Các thử nghiệm cho thấy đường làm với vật liệu bổ sung từ chất thải nhựa bền hơn và chịu được điều kiện thời tiết cực đoan tốt hơn Ảnh: ABC
Bên cạnh tái chế, các nhà khoa học còn nỗ lực tìm những phương pháp sinh học để giải bài toán rác thải nhựa. Một tin vui vừa nổi lên từ nghiên cứu của nghiên cứu sinh Anja Brandon tại Trường ĐH Stanford (Mỹ) và giáo sư hướng dẫn Craig Criddle khi họ tìm thấy loại vi khuẩn trong ruột sâu gạo có khả năng bẻ gãy nhựa polyme nhanh gấp nhiều lần các phát hiện trước đó.
Các nhà nghiên cứu khác từng phát hiện sâu gạo có thể tiêu hóa một số loại nhựa nhiệt dẻo (polystyrene). Hai thầy trò Criddle và Brandon đã thử sâu gạo trên loại nhựa phổ biến hơn polystyrene là polyethylene. Sâu gạo tham gia nghiên cứu được chia thành các nhóm, mỗi nhóm được cung cấp 1,8 g đồ ăn, trong đó có nhóm được cung cấp polyethylene hoặc polystyrene, có nhóm được cung cấp cả hai loại nhựa này, nhóm khác nếm nhựa pha cám lúa mì và nhóm chỉ được ăn cám.
Hơn 90% sâu gạo sống sót sau 32 ngày thí nghiệm. Kết quả cho thấy sâu gạo chuyển hóa khoảng 50% polyethylene thành khí CO2, trong khi con số này đối với polystyrene là 45%. Phân của chúng thải ra được đánh giá là an toàn cho đất trồng.
Cuối thí nghiệm, nhóm nghiên cứu phẫu thuật sâu gạo và tìm thấy điểm khác biệt lớn về hệ vi sinh vật trong ruột giữa các nhóm sâu đối chứng. Các nhà nghiên cứu tranh luận rằng sâu gạo có lẽ không chỉ có khả năng tiêu hóa một lượng lớn nhựa mà bản chất thay đổi của hệ vi sinh vật đường ruột cho phép chúng thích nghi với những chế độ ăn bất thường tương đối nhanh.
Bình luận (0)