Giám đốc điều hành Hãng xe điện Tesla và Tập đoàn Công nghệ hàng không vũ trụ SpaceX Elon Musk đã mang đến cho thế giới những điều kỳ diệu như tàu vũ trụ và
ôtô điện, điều đó góp phần giúp ông được bình chọn là "Nhân vật của năm 2021" trên Tạp chí Time. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với sự vinh danh dành cho ông.
Khoản thuế lớn nhất lịch sử
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Time Edward Felsenthal hôm 13-12, nhân vật của năm là một người có tầm ảnh hưởng lớn và rất ít người có sức ảnh hưởng với sự sống trên trái đất, thậm chí là ngoài trái đất, hơn ông Elon Musk.
Ông Musk cũng từng cho hay các mục tiêu của SpaceX, Tesla và công ty cung cấp các giải pháp năng lượng SolarCity xoay quanh tầm nhìn tương lai của ông là thay đổi thế giới và giúp đỡ nhân loại.
Các dự án của ông phục vụ những mục tiêu như giảm sự nóng lên toàn cầu thông qua sản xuất và tiêu thụ năng lượng bền vững, làm giảm nguy cơ tuyệt chủng của con người bằng cách xây dựng một thành phố trên sao Hỏa.
Tỉ phú Elon Musk Ảnh: REUTERS
Người giàu nhất thế giới này tiết lộ công ty của ông đang thực hiện một chương trình tách khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển bằng cách biến nó thành nhiên liệu tên lửa và dự án này sẽ rất quan trọng đối với sứ mệnh lên sao Hỏa.
Việc cổ phiếu Tesla tiếp tục tăng mạnh đã giúp giá trị tài sản ròng của tỉ phú Elon Musk vượt mốc 300 tỉ USD trên bảng xếp hạng của Bloomberg.
Một số nghị sĩ Mỹ đã phản đối sự lựa chọn của tạp chí Time vì tỉ phú Elon Musk trả rất ít thuế thu nhập so với khối tài sản khổng lồ của ông. Theo các nghị sĩ, tạp chí nên tán dương những anh hùng, cá nhân ở tuyến đầu, những người làm việc hướng tới một xã hội công bằng hơn thay vì vinh danh những tỉ phú như ông Elon Musk.
Trong một tranh luận với Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren hôm 15-12 trên mạng xã hội Twitter, tỉ phú Elon Musk khẳng định ông là cá nhân nộp thuế nhiều nhất lịch sử Mỹ sau khi liên tiếp thực hiện quyền mua và bán ra cổ phiếu Tesla với số lượng lớn.
Cuộc tranh luận nổ ra khi thượng nghị sĩ bang Massachusetts cho rằng mã số thuế đã bị gian lận và yêu cầu thay đổi để "nhân vật của năm" thực sự sẽ đóng thuế và ngừng lừa dối người khác.
Theo ước tính của Bloomberg, ông Musk có thể đối mặt với hóa đơn thuế hơn 10 tỉ USD trong năm 2021 nếu ông thực hiện tất cả quyền chọn mua cổ phiếu dự kiến hết hạn vào năm tới.
Dù chưa rõ con số này có phải là kỷ lục hay chưa do Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) không công khai thông tin thuế của các cá nhân nhưng chắc chắn sẽ là một trong những khoản nộp thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Sẵn sàng đấu khẩu
Không giống những tỉ phú khác, thường lựa chọn đứng ngoài những cuộc tranh cãi, ông Musk sẵn sàng phản đòn một khi có ai đó muốn tranh luận.
Hồi đầu tháng 11, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) David Beasley cho rằng những người siêu giàu có thể giải quyết nạn đói trên thế giới bằng cách chi ra một phần nhỏ tài sản của họ.
Theo ông Beasley, cần 6 tỉ USD, tương đương khoảng 2% tài sản của ông Musk, để hỗ trợ 42 triệu người trên toàn cầu đang có nguy cơ chết đói. Nhanh chóng đáp lời kêu gọi của Giám đốc WFP, ông Musk viết trên Twitter: "Nếu chương trình có thể mô tả chính xác, công khai và minh bạch cách thức 6 tỉ USD sẽ giải quyết nạn đói toàn cầu thế nào, tôi sẽ bán cổ phiếu Tesla ngay bây giờ và làm điều đó".
Tỉ phú này cũng không ít lần bị kéo vào các vụ kiện tụng và điều tra chỉ vì những phát ngôn trên mạng xã hội. Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) nộp đơn kiện Tesla hôm 15-11 liên quan đến dòng chia sẻ cũ của ông Musk và thỏa thuận vào năm 2014 giữa ngân hàng và hãng xe điện.
Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng JPMorgan Chase mua chứng quyền của Tesla vào năm 2014 và chứng quyền hết hạn vào tháng 6-2021.
Chứng quyền là một loại chứng khoán do các doanh nghiệp phát hành, cho phép người sở hữu được mua các cổ phiếu của doanh nghiệp theo mức giá quy định trên hợp đồng bất kể chuyện gì xảy ra.
Vào thời điểm năm 2018, sau khi tỉ phú Musk đăng nội dung xem xét chuyển nhượng lại Tesla, JPMorgan Chase đã hạ giá thực tế chứng quyền của hãng sản xuất xe điện này. Vài tuần sau đó, ông Musk bỏ ý tưởng chuyển nhượng công ty trong một dòng trạng thái khác, Ngân hàng JPMorgan Chase đã vội vàng tăng lại giá chứng quyền. Giá cổ phiếu của Tesla đã tăng xấp xỉ 10 lần vào thời điểm chứng quyền hết hạn.
Theo đài CNN, JPMorgan Chase lập luận họ có quyền thay đổi giá thực tế theo hợp đồng đã ký nhưng Tesla không chấp nhận những lần điều chỉnh của ngân hàng này, dẫn đến việc JPMorgan Chase nộp đơn kiện đòi công ty thanh toán số tiền còn thiếu khoảng 162,2 triệu USD.
Cách hành xử khác thường của ông Musk còn được thể hiện trong quyết định bán căn nhà cuối cùng mà ông sở hữu và đi ở nhà thuê. Với động thái này, ông Musk trở thành "tỉ phú không nhà" đúng như tuyên bố ông từng đưa ra trên Twitter vào tháng 5-2020.
Có thể nói, ông Musk đại diện cho một thế hệ tỉ phú mới của thế giới, những người giàu lên với tốc độ nhanh chóng nhưng không phải trong những lĩnh vực kinh doanh truyền thống như bất động sản, đầu tư cổ phiếu hay sản xuất mà là khai phá những lĩnh vực của tương lai.
Thiên tài lập dị
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết phi hành đoàn của họ có thể sớm thực hiện sứ mệnh trên sao Hỏa vào những năm 2030. Không muốn bị bỏ lại phía sau, nhà sáng lập SpaceX có kế hoạch nhanh chóng đưa người lên sao Hỏa vào năm 2026 với mục tiêu xây dựng thành phố trên hành tinh đỏ này mặc cho nhiều nhà khoa học cảnh báo về các hiểm họa như bức xạ mặt trời, bão bụi... Nhận thức rõ điều này, tỉ phú Musk thừa nhận sẽ có rất nhiều người thiệt mạng trong giai đoạn đầu của dự án chinh phục sao Hỏa.
Bình luận (0)