Các ngoại trưởng và bộ trưởng nội vụ Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp khẩn cấp tại Luxembourg hôm 20-4 để bàn về vấn đề người di cư tử nạn khi vượt Địa Trung Hải tới châu Âu.
Phản ứng chậm
Cuộc họp diễn ra sau vụ lật thuyền nhiều khả năng là thảm kịch tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng di cư. Thông tin ban đầu cho biết trên chiếc thuyền bị lật cách đảo Lampedusa - Ý khoảng 190 km hôm 18-4 có khoảng 700 người di cư nhưng đến giờ mới cứu được 28 người và tìm thấy 24 thi thể - được đưa về chôn cất ở Malta.
Tuy nhiên, một người Bangladesh sống sót nói với các công tố viên Ý rằng chiếc tàu chở đến 950 người, với khoảng 200 phụ nữ và 50 trẻ em. Nhân chứng này cho biết khoảng 300 người trong số họ bị bọn buôn người nhốt dưới hầm lúc thuyền gặp nạn. Dù không xác nhận thông tin này nhưng tướng Antonino Iraso thuộc Lực lượng Biên phòng Ý nhận định điều đó lý giải vì sao quá ít người sống sót được tìm thấy.
Thủ tướng Ý Matteo Renzi khẳng định mọi nỗ lực lúc này ưu tiên cho cứu hộ với sự tham gia của 18 tàu. Hãng tin AP dẫn lời công tố viên Ý Giovanni Salvi nhấn mạnh khu vực con tàu gặp nạn quá sâu (hơn 5 km) và nguy hiểm nên khó lòng xác định số nạn nhân thực sự. “Chúng tôi có thể làm gì khi ngày nào cũng phải chứng kiến thảm kịch như vậy?” - ông Renzi bức xúc.
Theo một số quốc gia Nam Âu, niềm tin đối với châu Âu đang bị đe dọa sau quyết định thu hẹp quy mô hoạt động tìm kiếm cứu nạn hồi năm ngoái do một số nước thành viên tuyên bố không kham nổi chi phí. Hiện EU bị cáo buộc phản ứng quá lề mề trong các thảm họa nhân đạo ngày càng gia tăng ở Địa Trung Hải. Trước hối thúc của nhiều lãnh đạo châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đang cân nhắc kêu gọi một cuộc họp thượng đỉnh EU đặc biệt để bàn về vấn đề này vào cuối tuần.
Tuy nhiên, đài BBC (Anh) bình luận một cách chua chát rằng trong khi đợi EU bàn thảo, Địa Trung Hải tiếp tục là tử huyệt đáng sợ đối với người di cư. Bằng chứng là ngày 20-4, một tàu chở hơn 200 người nhập cư, hầu hết đến từ Bắc Phi, lại chìm ở ngoài khơi đảo Rhodes của Hy Lạp, theo hãng tin ANSA (Ý). Đến nay, mới vớt được 3 thi thể, trong đó có 1 trẻ em và cứu được hơn 90 người.
Ngoài ra, Ý và Malta cho biết đang hợp tác giải cứu 2 con tàu chở dân di cư khác ở ngoài khơi Libya hôm 20-4. Thủ tướng Ý Renzi nói 1 tàu chở khoảng 100-150 người trong khi chiếc còn lại chở chừng 300 người.
Trong khi đó, Tổ chức Di dân quốc tế (IMO) thông báo họ nhận được lời cầu cứu từ 3 chiếc tàu và đã có khoảng 20 người chết. Người phát ngôn IMO Joel Millman nói với đài BBC rằng chưa rõ 3 tàu này có trùng với các tàu mà Ý và Malta đang giải cứu không.
Người di cư bị chìm tàu ngoài khơi đảo Rhodes. Nguồn: Reuters
Không có lựa chọn
Cuộc khủng hoảng cũng nêu bật thách thức cơ bản của EU: Sự thống nhất về ý chí chính trị, sự hợp tác và tiền từ toàn bộ 28 quốc gia trong khối. “Châu Âu phải quyết liệt hơn. Thật đáng xấu hổ vì hành động trốn tránh trách nhiệm cũng như số tiền nhỏ giọt mà chúng ta dành cho các sứ mệnh cứu hộ” - Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz sốt sắng.
Theo báo USA Today (Mỹ), hành trình từ châu Phi sang châu Âu trên những con tàu lèn chặt người qua Địa Trung Hải là trải nghiệm đau đớn và thường kết thúc trong tang thương. Những người sa chân vào hành trình này không mảy may biết điều gì đang chờ đợi nhưng họ không có lựa chọn nào khác. “Chúng tôi ra đi không phải vì chúng tôi muốn. Chúng tôi đi vì chẳng còn cách nào khác. Đó là sự liều lĩnh tuyệt vọng vì ở lại cũng không còn gì” - Lasina Dumbia, một thanh niên 18 tuổi người Mali đã đến được đảo Lampedusa, bày tỏ.
Phần lớn người di cư đến từ những đất nước đang bị nhấn chìm trong khói lửa xung đột và bạo lực. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không còn đường trở lại. Trong nhiều trường hợp, nhiều gia đình, thậm chí nhiều ngôi làng, gom góp tiền để gửi 1 hay 2 người tới châu Âu với gánh nặng kiếm tiền cho những hành trình chui lủi tiếp theo của người ở nhà.
Trốn nghèo đói, chiến tranh
Tuyến đường biển đi từ châu Phi đến châu Âu trên Địa Trung Hải được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNCHR) mô tả là “tuyến đường chết chóc nhất thế giới”. Năm ngoái, khoảng 3.419 người di cư đã mất mạng khi vượt biển trên các con thuyền quá tải - một con số cao kỷ lục. Từ đầu năm 2015 cho đến trước thảm kịch hôm 18-4, đã có 900 người di cư mất mạng, cao gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 thập kỷ qua, các tổ chức di dân ước tính đã có đến 20.000 người thiệt mạng.
Thời tiết ấm áp vào mùa xuân là điều kiện thuận lợi để làn sóng người di cư, tị nạn từ Trung Đông, châu Phi tìm đường sang châu Âu. Số người này thường chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở quê nhà như Libya, Eritrea, Syria, Somalia, Sudan và Congo. Libya là điểm khởi hành phổ biến bởi bọn buôn người khai thác triệt để tình trạng trống vắng quyền lực và vô trật tự ở đây. Ngoài ra, chặng đường tương đối ngắn từ bờ biển Libya đến đảo Lampedusa của Ý càng khiến nhiều người liều lĩnh ra đi với hy vọng đổi đời.
Hơn 130.000 người đã đến các bờ biển châu Âu vào năm 2014, so với con số 60.000 của năm trước. Trong khi đó, chỉ tính từ ngày 10 đến 17-4 năm nay, đã có hơn 10.000 người di cư đến nước Ý.
Phương Võ
Bình luận (0)