Bà von der Leyen cho rằng: "Chúng tôi có quy trình gia nhập dành cho Ukraine, chẳng hạn như tích hợp thị trường Ukraine vào thị trường của khối. Chúng tôi cũng có sự hợp tác rất chặt chẽ về mạng lưới năng lượng. Vì vậy có rất nhiều chủ đề mà chúng tôi có thể làm việc chặt chẽ với nhau và dần dần, họ thuộc EU. Họ là một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn họ gia nhập khối".
Trong phát biểu được đăng trên Twitter hôm 27-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với bà von der Leyen về việc tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine và tư cách thành viên của nước này trong EU.
Các nhà lập pháp ủng hộ bài phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hôm 27-2 Ảnh: AP
Trong khi đó, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho biết gói viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine với trị giá 450 triệu USD sẽ bao gồm cả máy bay chiến đấu và tất cả số vũ khí này được chuyển giao qua Ba Lan.
Phát biểu vài giờ sau khi Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen thông báo rằng khối sẽ "tài trợ cho việc mua và cung cấp vũ khí cùng các thiết bị khác" cho Ukraine, ông Borrell tiết lộ khối này có kế hoạch chi 501 triệu USD mua vũ khí cho Ukraine và chi thêm khoảng 56 triệu USD cho các mặt hàng như nhiên liệu, vật tư y tế.
Ông Borrell nhấn mạnh: "Chắc chắn, chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí. Chúng tôi thậm chí còn cung cấp máy bay chiến đấu chứ không chỉ đạn dược".
Quan chức này cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã yêu cầu EU cung cấp các máy bay chiến đấu mà phi công Ukraine có thể vận hành và những máy bay đó có thể được mua từ một số quốc gia EU. Lực lượng không quân Ukraine hiện sử dụng các máy bay chiến đấu MiG-29 và Sukhoi Su-24, Su-25 và Su-27 được sản xuất từ thời Liên Xô. Những máy bay nói trên nhiều khả năng sẽ được cung cấp từ những nước như Ba Lan, Bulgaria và Slovakia.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cũng thông báo các lệnh trừng phạt tài chính sẽ đóng băng "khoảng một nửa số dự trữ tài chính của ngân hàng trung ương Nga". Theo ông Borrell, một nửa số dự trữ của Nga nằm trong ngân hàng ở các nước G7.
Binh lính Ukraine tại một chốt kiểm soát ở TP Zhytomyr ngày 27-2. Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AP, các quan chức EU cũng cho biết EU đã đồng ý đóng cửa không phận của mình đối với các hãng hàng không Nga. Tất cả các máy bay của Nga dù thuộc sở hữu của các hãng hàng không nhà nước hay cá nhân sẽ bị cấm bay, cấm hạ cánh, cất cánh hoặc cấm quá cảnh không phận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Cũng trong ngày 27-2, các nước như Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp và đặc biệt là Đức đều tuyên bố sẽ viện trợ vũ khí cho Ukraine. Đáng chú ý nhất là việc chính phủ Đức lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ từ bỏ nguyên tắc không cung cấp vũ khí cho các bên đang trong xung đột và quyết định gửi viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho hay Đức cam kết bổ sung khẩn cấp 113 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng Đức năm 2022, đồng thời tăng ngân sách quốc phòng cao hơn mục tiêu của NATO mức 2% GDP nước này.
"Thời điểm khó khăn"
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine mô tả hôm 27-2 là "thời điểm khó khăn" đối với quân đội khi cho rằng lực lượng Nga tiếp tục pháo kích ở hầu hết các hướng. Thông báo trên Facebook, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết các thành viên lực lượng phòng vệ tại căn cứ không quân Vasylkiv ở phía Tây Nam Kiev đang chống lại các cuộc không kích và tấn công của Nga.
Ngoài Vasylki, lực lượng Nga tiến vào TP Berdyansk ở miền nam Ukraine và bắt đầu bao vây Chernihiv. Sau 5 ngày tấn công, Nga có thể đổi chiến thuật sau khi đà tiến quân chậm lại vì vấp phải "kháng cự dữ dội từ quân đội Ukraine", cũng như đối mặt thách thức về hậu cần.
Bình luận (0)