Lần đầu tiên EU tiến hành cuộc gặp cấp cao riêng với một nước ứng cử viên gia nhập EU và hoạt động này diễn ra ở vùng đang có chiến tranh hoặc xung đột vũ trang. EU đã phá lệ ràng buộc lâu nay và tạo tiền lệ mới.
Địa điểm diễn ra sự kiện - gần như toàn bộ thành viên lãnh đạo cao cấp của EU cất công tới Kiev và thời điểm diễn ra sự kiện - gần 1 năm sau khi xung đột giữa Ukraine và Nga diễn ra - đều có ý nghĩa biểu trưng nổi bật về chính trị, tâm lý và truyền thông.
Phá lệ là chuyện tày đình đối với EU bởi trong thực chất, đấy là vứt bỏ nguyên tắc vốn được coi là điều cấm kỵ suốt bao lâu nay. Nhưng EU cũng đã có tiền lệ với việc phá lệ khi vội vã quyết định dành cho Ukraine quy chế nước ứng cử viên gia nhập EU hồi giữa năm ngoái.
Ý nghĩa chính trị của cuộc gặp cấp cao giữa EU và Ukraine ở Kiev to lớn và quan trọng bao nhiêu đối với cả hai bên thì kết quả cụ thể của sự kiện lại ít ỏi bấy nhiêu.
Ukraine không đạt được mục tiêu cao nhất và đòi hỏi cấp thiết nhất là EU đồng ý ngay lập tức khởi động tiến trình đàm phán về việc kết nạp Ukraine và xác định kết thúc tiến trình này trong khoảng thời gian 2 năm tới. EU khẳng định sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng trong cuộc xung đột với Nga và trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Một cuộc gặp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao EU - Ukraine tại thủ đô Kiev hôm 3-2Ảnh: Reuters
Nhưng đối với Ukraine, sự ủng hộ này hiện không thiết thực và quan trọng bằng việc EU nhanh chóng kết nạp Kiev. Lý do là phía Ukraine thừa biết rằng EU, giống như NATO, không hậu thuẫn Kiev không được bởi cuộc xung đột đã ràng buộc số phận và tương lai của Ukraine với cả EU lẫn NATO.
Chính Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã phải quả quyết: "Số phận của các bạn (tức Ukraine) là số phận của chúng tôi (tức EU và khối phương Tây)". EU và NATO sử dụng Ukraine trong cuộc chơi của họ với Nga ở châu Âu thì Kiev cũng biến EU và NATO trở thành con tin của mình trong cuộc xung đột với Moscow.
Cuộc gặp cấp cao giữa EU và Ukraine một lần nữa khẳng định mục tiêu chiến lược của EU và NATO là hậu thuẫn Ukraine bằng mọi giá và với mọi cách để "Ukraine phải thắng và Nga phải thua". Ở đây có sự phân vai giữa NATO và EU.
NATO đỡ lưng cho Ukraine cầm cự và phản công Nga về quân sự, trong khi EU giúp Kiev về chính trị và tài chính để duy trì hoạt động của chính quyền và xã hội. Cho nên, cuộc chiến tại Ukraine càng dai dẳng và quyết liệt thì EU và NATO càng lún sâu và càng sa lầy thêm về chính trị, quân sự, an ninh và tài chính ở đó.
Qua đó, cũng còn có thể thấy EU phá lệ và tạo tiền lệ mới thật ra không phải vì Ukraine mà vì chính EU. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đe dọa an ninh và tương lai của hai nước này nhưng đồng thời thách thức sự tồn tại và tương lai, vai trò và ảnh hưởng của EU và NATO trên mọi phương diện.
Nó đưa lại cho EU và NATO cơ hội để tự thay đổi để trở thành liên minh thích ứng với bối cảnh tình hình mới ở châu Âu. Ở Kiev vừa rồi, EU dành cho Ukraine cái tối đa có thể trong khi nước này chỉ thu về được cái tối thiểu.
Bình luận (0)