Cảnh báo không kích vang lên khắp Ukraine hôm 3-2 khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang có mặt ở thủ đô Kiev để thảo luận với Tổng thống Volodymyr Zelensky về các biện pháp trừng phạt Nga và triển vọng gia nhập EU của Ukraine.
Theo Reuters, trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ hỗ trợ Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga trong thời gian lâu nhất có thể.
Bà Ursula von der Leyen cho biết đánh dấu 1 năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24-2-2022, EU đặt mục tiêu áp đặt gói trừng phạt thứ 10 lên Nga. Tuy nhiên, chủ tịch EC không nêu chi tiết liên quan đến những lĩnh vực hoặc mặt hàng xuất khẩu nào của Nga bị nhắm mục tiêu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Volodymyr Zelensky tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Kiev - Ukraine hôm 2-2 Ảnh: REUTERS
Bà Von der Leyen cũng cho biết tiến trình thảo luận về cách thức hợp pháp cho phép EU tịch thu các tài sản thuộc sở hữu của Nga vốn đã bị đóng băng trong 9 gói trừng phạt trước đang diễn ra. Theo chủ tịch EC, ủy ban này trước mắt sẽ cung cấp 1 tỉ euro trong quỹ "phục hồi nhanh" để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine.
EU hỗ trợ cải cách dân chủ và kinh tế ở Ukraine nhưng vẫn từ chối thông qua một lộ trình nhanh chóng để đưa Ukraine trở thành thành viên khối. Các quan chức EU đã liệt kê nhiều yêu cầu đối với Ukraine, từ sự ổn định chính trị và kinh tế đến việc áp dụng các luật khác nhau của EU.
Tiến trình này có thể mất nhiều năm. Các quan chức EU cho biết cuộc đàm phán với Ukraine hôm 2-2 trước đó cũng đã đề cập việc cung cấp thêm vũ khí, kinh phí cho Ukraine, cũng như tăng khả năng tiếp cận của các sản phẩm Ukraine trên thị trường EU, hỗ trợ Ukraine về vấn đề năng lượng và đặc biệt là các biện pháp trừng phạt Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky tiếp tục kêu gọi EU áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga nhưng các biện pháp trừng phạt mới mà khối này đang chuẩn bị sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của Kiev.
Lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm từ dầu Nga của EU dự kiến có hiệu lực vào ngày 5-2 tới. Trước đó, lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, được thông qua hồi tháng 6-2022, đã có hiệu lực từ ngày 5-12-2022. Khi đó, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng áp đặt giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Các nhà phân tích tại Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cảnh báo lệnh cấm sắp tới của EU có thể gây tác động phức tạp hơn so với các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu dầu thô trước đó.
Ông Matthew Sherwood, nhà phân tích tại Cơ quan Nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (trụ sở London - Anh), nhận định với đài CNBC sẽ có một số gián đoạn về nguồn cung, đặc biệt là ngay sau lệnh cấm có hiệu lực khi các thị trường EU tiếp tục tìm nguồn cung thay thế. Theo chuyên gia này, diễn biến trên sẽ gây áp lực tăng giá đối với các sản phẩm dầu nói chung.
Trong khi đó, các nhà phân tích nói với đài CNBC cho đến nay, các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga đã thất bại hoàn toàn và các mức giá trần mới cũng không thể gây tác động nghiêm trọng đối với Nga. Bà Vandana Hari, người sáng lập Công ty Phân tích Vanda Insights (Singapore), lý giải dầu của Nga sẽ tìm đường đến các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ.
Không thể giao F-16
Theo hãng tin Reuters, Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ukraine diễn ra vào thời điểm Nga tăng cường áp lực lên các lực lượng Ukraine ở chiến trường phía Đông cũng như phía Đông Bắc và phía Nam.
Theo đài CNN, hoạt động quân sự leo thang của Nga tại Ukraine dẫn đến những lời kêu gọi mới về viện trợ thiết bị gây sát thương lớn hơn từ phương Tây. Cuộc tranh luận công khai về việc có nên gửi máy bay chiến đấu F-16 đến Ukraine hay không đang khiến NATO rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Các nhà lãnh đạo của Mỹ và đồng minh sẽ phải cân bằng tác động mà máy bay F-16 có thể gây ra với nguy cơ làm leo thang hơn nữa cuộc đối đầu căng thẳng giữa phương Tây với Tổng thống Vladimir Putin. Các nhà lãnh đạo cũng cần sự bảo đảm từ Ukraine rằng F-16 sẽ chỉ được sử dụng trong lãnh thổ Ukraine, nhằm tránh lan rộng xung đột sang Nga.
Bình luận (0)