Những lời chua chát của nhà báo Mỹ nổi tiếng Walter Lippmann hồi năm 1959 về truyền hình miễn phí tới nay có thể nói vẫn nguyên vẹn ý nghĩa khi dành cho mạng xã hội miễn phí: Nó rốt cuộc là "loại sinh vật, kẻ đầy tớ tận tụy và thực tế là con buôn sẵn sàng bán đứng bạn cho các nhà quảng cáo".
Thế giới ảo, tiền thật
Trên thực tế, Facebook luôn tuyên bố những mục đích cao cả như tìm cách "đưa chúng ta tới gần nhau hơn" và "xây dựng một cộng đồng toàn cầu". Đó thực sự là những cái đích đáng quý có thể nằm trong tầm tay của truyền thông xã hội.
Nhưng nếu mạng xã hội lớn nhất hành tinh này coi đó là những mục đích trên hết thì nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của nó, ông Mark Zuckerberg đã không phải muối mặt điều trần suốt 2 ngày ở Quốc hội Mỹ hồi tuần rồi, sau khi nổ ra vụ bê bối liên quan tới dữ liệu của 87 triệu người dùng rơi vào tay công ty nghiên cứu dữ liệu Cambridge Analytica của Anh - vốn có liên hệ với chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Tạp chí The Economist, trung bình các tín đồ Facebook sống trên mạng xã hội này 50 phút/ngày, với lời hứa từ nhà cung cấp rằng: "Dịch vụ này miễn phí và sẽ luôn luôn miễn phí". Nghe mới hấp dẫn làm sao! Chẳng riêng gì Facebook, nhiều ngôi sao khác của Thung lũng Silicon cũng vuốt ve người dùng bằng câu thần chú "miễn phí".
Chẳng hạn như Google, được cho là cao thủ hơn cả Facebook trong khai thác dữ liệu người dùng miễn phí. Riêng sản phẩm YouTube của hãng này mỗi ngày đã thu hút 1 tỉ giờ xem video. Có điều, việc miễn phí này có giá của nó, vấn đề là tính toán như thế nào. Bởi người dùng không trả cho nhiều dịch vụ số bằng tiền mặt, ngoài chi phí kết nối internet.
Hàng chục hình cắt bằng bìa cứng hình ảnh CEO Mark Zuckerberg trong cuộc biểu tình phản đối Facebook của tổ chức Avaaz.org bên ngoài Điện Capitol ở Washington hôm 10-4. Ảnh: REUTERS
Theo nhận định của tờ Guardian, bị dụ dỗ bởi những dịch vụ miễn phí trên internet, chúng ta đã sa chân vào một trung tâm mua sắm kỹ thuật số, nơi chúng ta hy sinh sự riêng tư của mình. Mỗi cái nhấp chuột, tin nhắn và dấu vết điện tử - hay còn gọi là dữ liệu, có thể được khai thác vì lợi nhuận.
Mỗi hành động của chúng ta trên thế giới ảo có thể mang lại tiền thật cho những đế chế mạng xã hội ở Thung lũng Silicon. Bạn càng dành nhiều thời gian cho chúng, họ càng kiếm được nhiều tiền. Điều đáng ngại là hiếm có điều gì họ không biết, hầu như chẳng có nơi nào họ không thể theo dõi và họ nằm lòng cuộc sống số của bạn!
Nói như giáo sư John Naughton, chuyên gia về hiểu biết công nghệ tại ĐH Mở (Anh), đồng thời là tác giả của cuốn "Từ Gutenberg tới Zuckerberg: Điều bạn thực sự cần biết về internet", những công ty truyền thông xã hội có công cụ giám sát hoàn hảo, họ do thám chúng ta vì mục tiêu thương mại. "Hệ quả là riêng tư trở thành một món hàng để giao dịch, thứ bạn sở hữu có thể bị mang ra mua bán" - vị chuyên gia vạch rõ.
Muốn riêng tư phải trả phí
Thực tế, sự tràn lan của các dịch vụ miễn phí trên mạng một phần do kết quả của lịch sử. Trong những năm mới ra đời của internet, khách hàng trở nên quen với việc sử dụng miễn phí. Họ hầu như không biết và cũng không để tâm về việc dữ liệu của mình đáng giá bao nhiêu.
Kể từ khi các công ty số tiếp cận tới hàng tỉ người, giá trị của dữ liệu của một người lại càng nhỏ bé hơn. Dữ liệu trở thành dòng chảy vô tận và truyền đi với giá siêu rẻ. Vào năm 1993, MCI Mail còn yêu cầu khách hàng trả 50 xu (khoảng 11.000 đồng) cho mỗi tin nhắn kỹ thuật số 500 chữ, cứ thêm 500 chữ, chi phí lại tăng thêm 10%. Trong thế giới internet, mức phí này bằng 0.
Người dùng có thể không phải trả tiền nhưng những công ty như Google và Facebook phải tốn chi phí không nhỏ cho các kỹ sư, trung tâm dữ liệu… Để kiếm tiền, họ bắt đầu "đãi" người dùng các mẩu quảng cáo, chi phí đã có các nhà quảng cáo lo. Trong quý II/2017, Facebook thu về trung bình 4,65 USD từ mỗi người dùng bằng cách rải quảng cáo lên màn hình và các đăng tải mang tính chất quảng cáo khác. Để so sánh, có thể đặt khoản thu này bên cạnh thu nhập trung bình từ các khoản thu phí, chủ yếu từ các trò chơi ảo khác của Facebook, chỉ vỏn vẹn có 8 xu/người (tức chưa tới 2.000 đồng/người). Con số này đã ít nhiều phơi bày sự thật "phũ phàng" rằng chúng ta đang bị "đế chế mạng xã hội" hơn 2 tỉ thành viên này bán cho các nhà quảng cáo.
Tuy nhiên, các mạng xã hội và người dùng đã sẵn sàng sòng phẳng với nhau để tiến tới một thế giới mà người dùng không bị ám ảnh về thông tin cá nhân bị khai thác, cũng như không cảm thấy mình bị phản bội.
Khi được hỏi liệu có một tùy chọn nào khác cho những người dùng Facebook không muốn dữ liệu cá nhân của họ bị khai thác vào mục đích quảng cáo hay không, Giám đốc quản lý của Facebook Sheryl Sandberg hồi tuần rồi đã trả lời trên đài NBC: "Chúng tôi chưa có lựa chọn cho người dùng đứng ngoài hoạt động quảng cáo ở mức triệt để. Một lựa chọn như vậy sẽ phải trả tiền". Như vậy, việc cho phép người dùng bỏ lựa chọn bị khai thác thông tin cá nhân cũng đồng nghĩa với việc Facebook phải thay thế nguồn thu từ bán quảng cáo sang thu phí đăng ký sử dụng để bù đắp.
Làm rõ hơn ý kiến về phiên bản trả tiền nói trên, CEO Zuckerberg trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 10-4 xác nhận rằng lựa chọn trả phí đang được mạng xã hội này cân nhắc, song ông nhấn mạnh sẽ luôn có một phiên bản miễn phí của Facebook.
Trả tiền cho dữ liệu người dùng
Một nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Erik Brynjolfsson, Felix Eggers và Avinash Gannameneni thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã đưa ra kết luận sẽ phải có các mức tiền khác nhau mỗi tháng cho các tín đồ Facebook để trao dữ liệu cho mạng xã hội này.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng ước tính giá trị trung bình thường niên của mạng xã hội này mang lại cho mỗi người dùng khoảng 750 USD. Trong khi đó, một khảo sát đơn giản hơn cũng trong nghiên cứu này (không tính tới việc hoàn tiền dữ liệu cho người dùng) cho thấy trung bình mỗi người dùng "chùa" 16.600 USD/năm trên các cỗ máy tìm kiếm, 2.800 USD cho bản đồ và 900 USD cho video.
Bình luận (0)