Người dùng có thể bỏ Facebook nếu muốn!
Khó thoát
Đó là lý lẽ ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đưa ra với dụng ý làm nổi bật sự khập khiễng khi việc thu thập dữ liệu người dùng của mạng xã hội này bị đem so với phương pháp do thám của cựu giám đốc FBI Edgar Hoover, từng bị cáo buộc xâm phạm quyền tự do của người Mỹ, tại cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm 11-4.
Người sáng lập mạng xã hội lớn nhất hành tinh khẳng định rằng người dùng có quyền kiểm soát thông tin của họ, các nội dung chia sẻ, thậm chí có thể ngưng dùng Facebook.
Thế nhưng, từ bỏ một thế giới ảo khổng lồ đã đi sâu vào cuộc sống của phần nhiều trong khoảng 2,2 tỉ người dùng trong suốt 14 năm tồn tại như Facebook rõ ràng là điều không dễ. Hơn nữa, muốn thoát khỏi Facebook, chỉ xóa tài khoản thôi là chưa đủ. Ví dụ, nếu người dùng Facebook có xóa hết hình ảnh, thông tin họ từng chia sẻ thì các quảng cáo vẫn nhắm trúng họ. Đó là minh chứng cho việc dữ liệu đã nằm ngoài tầm kiểm soát của người dùng. Đăng xuất khỏi tài khoản, Facebook vẫn theo dõi được bạn. Thậm chí cả những người không có tài khoản Facebook, dữ liệu của họ vẫn bị mạng xã hội này mổ xẻ. Thế nên đừng thắc mắc tại sao hàng loạt quảng cáo trên mạng cứ như "đi guốc trong bụng" chúng ta.
Đối diện với các thành viên của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện hôm 11-4, Zuckerberg không ngừng tìm cách thể hiện rằng hoạt động tiếp cận dữ liệu của Facebook mang tính minh bạch. Thế nhưng, nhân vật quyền lực của mạng xã hội lớn nhất hành tinh bắt đầu khó ăn nói khi đối mặt với chất vấn của Hạ nghị sĩ Ben Lujan về cái gọi là "hồ sơ bóng tối". Câu hỏi của vị nghị sĩ Dân chủ từ bang New Mexico đã động chạm vào vấn đề vượt ra ngoài cả cuộc điều trần: Người dùng internet có thực sự biết tất cả những gì Facebook biết về họ.
Đáp lại, người đứng đầu của gã khổng lồ trong thế giới công nghệ tỏ ra xa cách với thuật ngữ nghe có cảm giác khuất tất mà giới chức Facebook không ưa dùng này, ít nhất là về mặt công khai. Tuy nhiên, những người ủng hộ quyền riêng tư muốn dùng thuật ngữ "hồ sơ bóng tối" để gọi thẳng một vấn đề hết sức cụ thể: Facebook thu thập cả những thông tin mà bạn không hề đồng ý giao nộp theo bản điều khoản được cho là "đánh đố" người dùng. Và điều đó có thể xảy ra dù bạn có là thành viên của mạng xã hội này hay không.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg tại một sự kiện thường niên của công ty ở TP San Jose, bang California - Mỹ vào năm 2017. Ảnh: AP
Vì mục đích… bảo mật
Theo trang Gizmodo, ví dụ cụ thể nhất của "hồ sơ bóng tối" đến từ dịch vụ "Những người bạn có thể quen biết" của Facebook. Dù bạn chưa bao giờ đăng nhập trên Facebook nhưng lại có mặt trong danh sách liên lạc của một người dùng, khi họ kết nối tài khoản email của họ hay dữ liệu tin nhắn với Facebook, dữ liệu của bạn cũng bị quét. Thay vì loại bỏ những thông tin không liên quan tới mình như vậy, Facebook đã giữ lại, gói ghém chúng trong cái gọi là "hồ sơ bóng tối", đưa vào một nhà băng tin cậy để dự trữ. Một ngày đẹp trời, chủ nhân của những thông tin này đăng đàn Facebook thì mạng xã hội này biết chính xác sẽ giới thiệu cho họ những bạn bè nào.
"Chúng tôi thu thập thông tin về những người không đăng ký tài khoản Facebook vì mục đích bảo mật" - CEO Facebook thừa nhận trong cuộc điều trần, nhưng không giải thích rõ mục đích bảo mật cụ thể ở đây là gì. Và câu trả lời này khiến nghị sĩ Lujan không khỏi bức bối: "Anh nói mọi người có thể kiểm soát dữ liệu của họ nhưng anh lại thu thập thông tin của những người không dùng Facebook, tức họ chưa bao giờ chấp thuận các điều khoản bảo mật của mạng xã hội".
Thực ra, việc Facebook lục lọi loại dữ liệu này không phải điều gì mới mẻ. Năm 2013, mạng xã hội này từng phải thừa nhận một sự cố trong đó dữ liệu người dùng bị lộ do lỗi hệ thống - về sau đã được khắc phục, trong đó người dùng bỗng dưng có thêm những dữ liệu về chính mình mà họ không cung cấp cho Facebook. Những dữ liệu đó do mạng xã hội này tích lũy qua thông tin liên lạc của những người dùng khác. Giải thích một cách dễ hiểu hơn, chẳng hạn bạn cho phép Facebook tiếp cận danh sách liên lạc trong điện thoại của mình thì nó có thể nắm luôn thông tin về mẹ của bạn và lỗi hệ thống nói trên đã khớp thêm thông tin đó vào tài khoản Facebook của người mẹ - lúc bấy giờ hẳn sẽ vô cùng ngỡ ngàng và hoang mang.
Một điều dở khóc dở cười nữa được tiết lộ trong cuộc điều trần nói trên là chính người đứng đầu Facebook cũng nằm trong số 87 triệu nạn nhân của bê bối thu thập dữ liệu mới nhất liên quan tới Công ty Cambridge Analytica của Anh vừa bị phanh phui.
Trần trụi trên thế giới ảo
Giữa lúc đang vật lộn để vượt qua bê bối dữ liệu lớn nhất trong lịch sử của mình, Facebook tiếp tục hứng búa rìu dư luận vì vỡ lở hoạt động liên quan tới thu thập thông tin trên smartphone của người dùng. Hôm 25-3, Facebook thừa nhận suốt nhiều năm qua đã thu thập lịch sử cuộc gọi và tin nhắn của những người dùng sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android. Mạng xã hội này biện hộ rằng họ làm điều đó với sự cho phép của người dùng. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Người dùng có thể xởi lởi đồng ý cho Facebook nhập các liên lạc điện thoại của mình để họ sử dụng các ứng dụng nhắn tin hay Facebook Lite (phiên bản rút gọn của Facebook) trên điện thoại nhưng không hẳn đồng ý việc lịch sử cuộc gọi hay tin nhắn riêng tư của mình sẽ bị lưu lại.
Trong khi đó, một chi tiết khác cũng khiến nhiều người dùng Facebook thêm lo ngại họ có thể "trần trụi" trên thế giới ảo khi trang thông tin công nghệ TechCrunch hồi tuần rồi cho biết một số nguồn tin chia sẻ những tin nhắn Facebook cũ họ nhận từ ông Zuckerberg đã biến mất dù không hề xóa.
Tin nhắn ông chủ Facebook gửi cho những người này từ năm 2010 cũng biến mất khỏi phần lịch sử trò chuyện và cả trong tệp tin tải về bằng công cụ Tải thông tin cá nhân của mạng xã hội này. Phía Facebook giải thích rằng việc làm đó nhằm bảo đảm an toàn cho ông Zuckerberg và các lãnh đạo công ty. Có điều, những người bị xóa tin nhắn kiểu này không hề được thông báo, trong khi điều khoản dịch vụ của Facebook không có bất cứ phần nào mô tả hãng này có quyền xóa nội dung từ tài khoản người dùng.
Kỳ tới: Thung lũng Silicon "ngồi trên đống lửa"
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-4
Bình luận (0)