Hội nghị Thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới gồm: Mỹ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản) đã kết thúc tại hạt Cornwall - Anh ngày 13-6 với hàng loạt cam kết, bao gồm chia sẻ vắc-xin cho thế giới, áp thuế toàn cầu tối thiểu 15% đối với doanh nghiệp đa quốc gia, chống biến đối khí hậu…
Lãnh đạo các nước G7 muốn nhấn mạnh hợp tác quốc tế đã trở lại sau những biến động xuất phát từ đại dịch Covid-19 và 4 năm cầm quyền với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên cạnh đó, họ còn muốn truyền tải thông điệp rằng những nền dân chủ như G7 là người bạn đáng tin cậy hơn so với những quốc gia như Trung Quốc.
Xuyên suốt 3 ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra những cam kết đầy tham vọng liên quan đến giáo dục, ngăn ngừa dịch trong tương lai và sử dụng hệ thống tài chính để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trên hết, theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, G7 cam kết san sẻ ít nhất 1 tỉ liều vắc-xin Covid-19 cho thế giới, bao gồm 500 triệu liều từ Mỹ và 100 triệu liều từ Anh.
Dù hoan nghênh cam kết trên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định con số này là chưa đủ. Bởi lẽ, thế giới cần 11 tỉ liều vắc-xin để tiêm phòng cho ít nhất 70% dân số đến giữa năm 2022 nếu thực sự muốn chấm dứt đại dịch.
Các nhà lãnh đạo G7 trong một phiên họp hôm 12-6 ở hạt Cornwall - Anh. Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên G7 thảo luận trực tiếp về giải pháp thay thế Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc, vốn bị chỉ trích là công cụ giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Trong khuôn khổ của kế hoạch "Build Back Better for the World" (Tái xây dựng tốt hơn cho thế giới), G7 và đồng minh sẽ huy động vốn tư nhân ở các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh y tế, công nghệ kỹ thuật số cũng như bình đẳng giới… nhằm "hỗ trợ thu hẹp nhu cầu cơ sở hạ tầng hơn 40.000 tỉ USD ở những quốc gia đang phát triển", với các điều khoản tài chính minh bạch nhằm giúp họ tránh mắc nợ quá mức.
Trong tuyên bố của mình, các nhà lãnh đạo G7 còn thể hiện cam kết về hướng tiếp cận chung nhằm đối phó với các hành vi bán phá giá hay vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Động thái này thể hiện sự cứng rắn hơn nhiều so với 3 năm trước, khi tuyên bố cuối cùng của họ không đề cập Bắc Kinh.
Về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, G7 cam kết triển khai các biện pháp nghiêm ngặt liên quan đến than, cam kết chỉ sử dụng nhà máy nhiệt điện than khi có công nghệ thu hồi CO2. Đối với những quốc gia có thu nhập thấp hơn, các nhà lãnh đạo cam kết viện trợ 2,8 tỉ USD để họ ngừng sử dụng than.
Trong một tuyên bố đáp trả ngày 13-6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cảnh báo quãng thời gian "một nhóm nhỏ các nước" quyết định vận mệnh của thế giới đã chấm dứt từ lâu. Cơ quan này nhấn mạnh trật tự thế giới hợp pháp duy nhất là trật tự dựa trên luật pháp quốc tế được Liên Hiệp Quốc (LHQ) ủng hộ, không phải "cái gọi là trật tự và hệ thống được hậu thuẫn bởi một nhóm nước".
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi G7 thể hiện lập trường cứng rắn và đoàn kết hơn trong nỗ lực cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, chống lại điều ông mô tả là hành vi "lao động cưỡng bức" của Bắc Kinh ở khu tự trị Tân Cương. Bắc Kinh từng nhiều lần chỉ trích điều họ mô tả là nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm kiềm chế Trung Quốc, nói rằng nhiều cường quốc hiện vẫn chưa thể thoát khỏi "lối tư duy đế quốc lỗi thời".
Bình luận (0)