Với tên gọi "Build Back Better for the World" (tạm dịch: Tái xây dựng tốt hơn cho thế giới), kế hoạch này dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hiện chưa rõ kế hoạch hạ tầng toàn cầu này sẽ huy động vốn như thế nào nhưng theo Reuters, các quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ kế hoạch sẽ bao gồm hàng trăm tỉ USD được huy động công khai lẫn riêng tư nhằm hỗ trợ một phần trong khoảng 40.000 tỉ USD hạ tầng còn thiếu ở các nước vào năm 2035.
Kênh CNBC nhận định kế hoạch hạ tầng của G7 dường như đối trọng trực tiếp với BRI. Ra mắt vào năm 2013, sáng kiến BRI của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trị giá hàng ngàn tỉ USD và tập trung vào các dự án hạ tầng trải dài từ châu Á, châu Âu đến Trung Đông và châu Phi. Hiện có hơn 100 quốc gia đã ký kết các dự án BRI như đường sắt, cảng biển, mạng 5G...
Theo cơ sở dữ liệu của công ty Refinitiv (Mỹ - Anh), tính đến giữa năm ngoái, có hơn 2.600 dự án trị giá khoảng 3.700 tỉ USD liên quan đến BRI cho dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 6-2020 cho hay khoảng 20% dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Các nhà lãnh đạo G7 trong một phiên họp ngày 11-6 Ảnh: REUTERS
Trong cuộc gọi với các phóng viên, các quan chức của ông Biden nhấn mạnh sáng kiến hạ tầng nêu trên không nhằm đối đầu với Trung Quốc, thay vào đó, G7 chỉ muốn "cung cấp một tầm nhìn thay thế mang tính tích cực và chắc chắn", không chỉ minh bạch mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và điều kiện lao động.
Cũng trong ngày 12-6, các nhà lãnh đạo G7 thông qua tuyên bố chung nhằm ngăn chặn một đại dịch nữa xảy ra. "Hôm nay là lần đầu tiên các nền dân chủ hàng đầu thế giới cùng cam kết không bao giờ để xảy ra tình trạng trở tay không kịp. (...) Điều đó có nghĩa là những bài học trong 18 tháng qua sẽ giúp chúng ta hành động khác đi vào lần tới" - Thủ tướng Anh Johnson phát biểu mở đầu ngày làm việc thứ hai.
Những biện pháp ứng phó tập thể bao gồm rút ngắn thời gian chế tạo vắc-xin, điều trị và chẩn đoán bất cứ bệnh dịch tương lai nào dưới 100 ngày, đồng thời củng cố mạng lưới giám sát toàn cầu.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hoan nghênh hiệp ước y tế nêu trên, đồng thời cho biết sẽ xem xét thành lập "Radar đại dịch toàn cầu" theo đề xuất của Anh, với mục tiêu đưa ra cảnh báo sớm về các đại dịch và dịch bệnh trong tương lai.
Ngoài 2 vấn đề hạ tầng và y tế, các nhà lãnh đạo G7 cùng nguyên thủ các nước Úc, Hàn Quốc, Nam Phi và Ấn Độ (tham gia trực tuyến) còn bàn về nhiều vấn đề đối ngoại và biến đổi khí hậu. Sau khi 3 ngày làm việc của Thượng đỉnh G7 khép lại vào ngày 13-6 (giờ địa phương), hầu hết các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào hôm sau tại Brussels - Bỉ nhân cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Sau đó, Tổng thống Mỹ Biden sẽ đến TP Geneva - Thụy Sĩ để có cuộc hội đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 16-6.
Bình luận (0)