Lãnh đạo các nước công nghiệp hàng đầu thế giới nhóm họp ở Brussels - Bỉ trong ngày 4 và 5-6 để bàn về chính sách đối ngoại, kinh tế, thương mại và an ninh năng lượng.
Đề cao “nguyên tắc luật pháp” ở biển Đông
Đây là lần đầu tiên trong 17 năm qua không có Nga tham dự do bị loại khỏi nhóm G8 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3 năm nay. Các nguồn tin cho biết đề tài chính của hội nghị là cuộc khủng hoảng ở Ukraine và mối quan hệ với Nga.
Hãng tin Interfax trích dẫn một nguồn tin ở Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ các nhà lãnh đạo G7 có thể để Nga quay lại với điều kiện “phải hợp tác với Ukraine và giúp làm giảm căng thẳng ở nước này”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ở Ba Lan ngày 4-6
Ảnh: UNIAN
Trước khi bay đến Brussels, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp gỡ tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ở Warsaw - Ba Lan hôm 4-6. Ông Obama cho biết sẽ đề nghị chính phủ hỗ trợ Ukraine giải quyết món nợ tiền khí đốt với Nga cũng như các kế hoạch khôi phục hòa bình, kinh tế.
Trong khi đó, tuy không ngồi vào bàn Hội nghị G7, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ hội đàm lần lượt với Tổng thống Pháp Francois Holland, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron bên lề buổi lễ kỷ niệm 70 năm quân đội đồng minh đổ bộ lên Normandy - Pháp trong ngày 6-6.
Ngoài ra, theo báo Yomiuri (Nhật Bản), tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 nhiều khả năng sẽ đề cao tầm quan trọng của “nguyên tắc luật pháp” ở biển Đông và biển Hoa Đông, ám chỉ những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc trong khu vực này. Tuyên bố sẽ thể hiện mối quan ngại về hành động bành trướng hung hăng trên biển của Trung Quốc cũng như yêu cầu duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực song song với tôn trọng luật pháp quốc tế.
Nga không muốn chiếm Đông Ukraine
Trong khi các nhà lãnh đạo G7 bàn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các trận đánh quy mô vẫn tiếp diễn ở miền Đông Nam nước này. Máy bay Ukraine lại không kích xuống làng Semenovka ở Slavyansk. Một ngày trước, cũng đã suốt ngày bắn rốc két xuống ngôi làng này. Đồng thời, dân quân đã tuyên bố họ bắn hạ được máy bay tiêm kích và trực thăng của quân đội Ukraine.
Trong khi đó, phát ngôn viên của chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine, ông Vladislav Seleznev, cho biết hơn 300 người ly khai thân Nga thiệt mạng và 500 người bị thương trong cuộc giao tranh ác liệt tại thành phố Slavyansk kéo dài suốt 24 giờ. Tuy nhiên, thông tin trên chưa được xác nhận.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước về an ninh tập thể Nikolai Bordyuzha kêu gọi nhanh chóng chấm dứt các hành động quân sự ở Ukraine và tạo điều kiện cho công tác cứu trợ nhân đạo đối với thường dân ở vùng Donetsk. Theo hãng tin RIA Novosti, ông cũng tuyên bố Liên Hiệp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu phải tăng cường nỗ lực giải quyết các mâu thuẫn đã biến thành cuộc đối đầu khốc liệt ở Ukraine.
Về phần mình, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Pháp về khả năng can thiệp quân sự của Nga vào tình hình ở Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định ở miền Đông Nam Ukraine không có chuyên gia quân sự cũng như đơn vị quân đội nào của Nga. Ông cũng bác bỏ thông tin cho rằng Nga có ý định xâm chiếm hoặc gây bất ổn miền Đông Nam Ukraine.
Ukraine kiện Nga
Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố Ukraine đã đệ trình lên Tòa án châu Âu về nhân quyền 2 lá đơn kiện Nga liên quan đến hành vi sáp nhập Crimea.
Ông cũng cho biết trong khuôn khổ vụ án hình sự, chính phủ Ukraine đã kiện Nga bồi thường tổng số tiền hơn 1.000 tỉ griven (gần 90 tỉ USD) vì đã sáp nhập Crimea. Theo ông, Nga đã “đánh cắp” hơn 2,2 tỉ mét khối khí đốt của Ukraine nằm ở Crimea. Trong khi đó, Moscow tuyên bố phía Nga còn có nhiều cớ hơn để kiện Kiev.
Bình luận (0)