Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch đầu tư vào 5-10 dự án cơ sở hạ tầng lớn trên thế giới vào tháng 1-2022. Đây được xem là một phần nỗ lực lớn hơn của G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) nhằm làm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, theo giới chức Mỹ hôm 8-11.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9-11 khẳng định các sáng kiến khác nhau không bù đắp hoặc thay thế nhau và Bắc Kinh tin rằng vẫn còn "không gian rộng lớn" cho sự hợp tác về cơ sở hạ tầng trên thế giới.
Các nước đang phát triển được cho là sẽ cần đến 40.000 tỉ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng vào năm 2035 và sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) của G7 ra đời nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu này. Mục đích khác của sáng kiến là mang đến giải pháp thay thế các hoạt động cho vay của Trung Quốc.
Cụ thể, theo trang Bloomberg, sáng kiến B3W sẽ tìm cách cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới bằng việc tài trợ cho các dự án có tiêu chuẩn lao động cao, cân nhắc đến yếu tố khí hậu và giúp đỡ các nhóm yếu thế, như doanh nhân nữ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một cuộc gặp về sáng kiến B3W bên lề COP26 ở Scotland hôm 2-11. Ảnh: REUTERS
Sau khi sáng kiến B3W được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Anh hồi tháng 6, các quan chức Nhà Trắng đã đến Nam Mỹ và châu Phi để thảo luận về các dự án tiềm năng. Một chuyến đi tương tự đến châu Á dự kiến diễn ra trước cuối năm nay nhưng hiện chưa rõ điểm đến cụ thể.
Không dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn nỗ lực thúc đẩy sáng kiến B3W khi gặp một loạt lãnh đạo bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Scotland mới đây - theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Emily Horne.
Cho đến nay, phái đoàn Mỹ đã đến 5 nước Senegal, Ghana, Colombia, Ecuador, Panama để tìm kiếm dự án tài trợ trong khuôn khổ B3W. Tại mỗi nước, khoảng 10 dự án đã được xác định. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, các dự án nói trên, cộng với những dự án được thảo luận ở châu Á sắp tới, sẽ được sàng lọc và những cái tên trong danh sách rút gọn được nhận tài trợ sớm.
Một nguồn tin cho Reuters biết những kế hoạch liên quan đến B3W có thể được hoàn thiện tại cuộc họp của G7 vào tháng 12 tới, mở đường cho việc xác định và khởi động một số dự án quan trọng vào đầu năm sau.
Một quan chức Mỹ khẳng định Washington cung cấp cho các nước đang phát triển nhiều loại công cụ tài chính, tập trung vào lĩnh vực khí hậu, y tế, công nghệ và bình đẳng giới. Ngoài ra, khác với Trung Quốc, Mỹ cam kết sẽ không đòi hỏi ký kết các thỏa thuận bảo mật thông tin hoặc thế chấp tài sản.
Giới chức cấp cao ở Senegal và Ghana đã hoan nghênh cam kết này khi tiếp đón phái đoàn do Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh đứng đầu vào tuần rồi. Trong chuyến đi này, phái đoàn Mỹ đã để mắt đến một loạt dự án tiềm tàng, như thiết lập tại Senegal một trung tâm sản xuất vắc-xin cho Tây Phi, thúc đẩy nguồn cung năng lượng tái tạo, đẩy mạnh cho vay đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thu hẹp khoảng cách số…
Bình luận (0)