“Cụ rùa” Jonathan thuộc loài rùa khổng lồ Aldabra, một trong những loài rùa cạn lớn nhất thế giới với cái mai màu nâu dáng cao hình mái vòm đặc trưng, chân phủ vảy chắc nịch nâng đỡ cả cơ thể. “Cụ” đã sống trong đồn điền của Thống đốc đảo Saint Helena (nằm ở phía Nam Đại Tây Dương nhưng là lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) từ năm 1882.
Vài năm trước, do tuổi tác nên “cụ” gần như mất hẳn thị lực và khứu giác, tưởng như đã “gần đất xa trời”. Bác sĩ thú y Joe Hollins (58 tuổi) là người đã phát hiện ra tình trạng sức khỏe xuống dốc nghiêm trọng của cụ rùa này.
“Jonathan đã gần như mù hẳn do đục thủy tinh thể và mất khả năng nhận biết các mùi hương. Do vậy, nó chỉ ngoạm lấy thức ăn và vô tình nhai cả những cành cây khô khiến cho hàm của nó bị mòn dần. Nó sụt cân nhiều do ăn uống thiếu dinh dưỡng. Do vậy tôi đã thay đổi chế độ ăn của Jonathan và cho nó ăn hỗn hợp các loại trái cây với rau củ giàu calorie như táo, cà rốt, rau diếp, ổi và chuối. Từ đó sức khỏe Jonathan đã cải thiện nhiều, tăng cân trở lại, năng động hơn hẳn và bò khỏe như trước đây” - bác sĩ Hollins kể lại.
Với chế độ ăn uống mới gồm rau quả giàu dinh dưỡng và sự yêu thương chăm sóc của bác sĩ Hollins, cụ rùa Jonathan đã “hồi xuân” và đang sống khỏe ở tuổi 183. Ảnh: BNPS
Nhờ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, Jonathan đã hồi phục lại được bộ hàm đủ bén để ăn cỏ và trở nên năng động hơn. Các chuyên gia cho rằng với chế độ ăn này, Jonathan có thể sống đến 200 tuổi và thậm chí lâu hơn nữa.
Bác sĩ Hollins nhận định: “Jonathan đã có được lớp mỡ dày hơn trước nên hoàn toàn có thể chịu được mùa đông lạnh, móng của nó cũng đang phát triển tốt. Tuổi thọ của loài rùa cạn khổng lồ là khoảng 150 năm, nhưng với Jonathan thì có thể nó vẫn sẽ sống ở đây khi chúng tôi không còn sống nữa”.
Người ta ước tính Jonathan được khoảng 50 tuổi khi được đưa từ quê hương Seychelles (một đảo quốc ở châu Phi) đến Saint Helena vào thế kỷ XIX. Jonathan vốn là món quà mà đảo quốc Seychelles đã gửi tặng thống đốc đảo Saint Helena. Tuy nhiên lúc đó cụ rùa này chưa có tên. Mãi đến những năm 1930 dưới nhiệm kỳ của Thống đốc Spencer Davis, “cụ” mới được đặt cho cái tên Jonathan.
Từ khi cư trú ở Saint Helena, cụ rùa Jonathan đã chứng kiến 28 vị thống đốc đến rồi đi. Trong gần 2 thế kỷ mà Jonathan đã sống, nước Anh đã trải qua 8 triều đại vua khác nhau, từ vua George IV đến nữ hoàng Elizabeth II. Cũng trong thời gian đó, nước Anh có 51 thủ tướng làm việc tại tòa nhà số 10 phố Downing.
Sau khi cụ rùa Harriet thuộc loài rùa khổng lồ Galapagos ở Úc qua đời vào năm 2006, Jonathan được ghi nhận là động vật trên cạn thọ nhất thế giới đang còn sống.
Theo các nhà khoa học, loài rùa khổng lồ Aldabra như Jonathan có thể nặng đến 250 kg. Loài rùa này đã gần tuyệt chủng do có một thời gian dài trong thế kỷ 18 và 19 chúng bị con người săn bắt làm thức ăn. Ngày nay, Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên đã xếp loài rùa này vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Jonathan hiện sống cùng 4 con rùa khổng lồ khác gồm rùa đực David và 3 rùa cái Emma, Frederika và Myrtle. Dù đã cải thiện sức khỏe nhưng “cụ” đã quá già để phối giống. Như các đồng loại thuộc giống rùa khổng lồ Aldabra khác, cụ rùa Jonathan rất dễ gần và thân thiện với con người.
Bình luận (0)