xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gấp rút tạo trật tự mới ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

BẢO HẠNH (lược dịch theo trang The ASEAN Post)

Nếu các cường quốc khác không can thiệp, có nguy cơ Trung Quốc áp đặt trật tự theo kiểu bá chủ phi tự do tại khu vực

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng về mặt an ninh. Ngoài việc tập trung nhiều nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nơi đây còn là khu vực có chi tiêu quân sự, tiềm lực hải quân phát triển nhanh nhất. Thêm vào đó, không thể không nhắc đến sự cạnh tranh gay gắt về các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như vị trí chiến lược. Vì vậy, gọi Ấn Độ - Thái Bình Dương là nơi nắm giữ chìa khóa an ninh toàn cầu không phải là điều khó hiểu.

Cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" - khái niệm chỉ những nước giáp với 2 đại dương này - được sử dụng ngày càng nhiều thay vì "châu Á - Thái Bình Dương" như trước đây. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng hải trong tình hình căng thẳng hiện nay. Các vùng biển ở châu Á đang trở thành một đấu trường cạnh tranh tài nguyên lẫn tầm ảnh hưởng. Vì vậy, rất có thể những cuộc khủng hoảng khu vực trong tương lai sẽ xảy ra hoặc được giải quyết trên biển.

Đứng sau những thay đổi trên chủ yếu là Trung Quốc, nước liên tục lấn ra các vùng biển quốc tế bằng cách xây đảo nhân tạo trên biển Đông. Sau khi quân sự hóa những tiền đồn này, Bắc Kinh đang chuyển sự chú ý sang Ấn Độ Dương. Cụ thể, nước này vừa thành lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti và đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân mới gần cảng Gwadar của Pakistan. Không những thế, Trung Quốc còn thuê nhiều đảo của Maldives với kế hoạch lập nên một đài quan sát hải dương chuyên cung cấp dữ liệu dưới mặt biển để hỗ trợ việc triển khai hệ thống tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) trên Ấn Độ Dương.

Những động thái trên cho thấy Trung Quốc đã thay đổi tình hình chiến lược của khu vực chỉ trong vòng 5 năm qua. Nếu các cường quốc khác không can thiệp để đối phó thách thức ngày càng tăng liên quan đến lãnh thổ và hàng hải, Trung Quốc có thể củng cố lợi thế chiến lược trong 5 năm tiếp theo, thậm chí có thể áp đặt trật tự theo kiểu bá chủ phi tự do tại khu vực. Với tầm quan trọng về mặt kinh tế của Ấn Độ - Thái Bình Dương, kịch bản nói trên sẽ tạo ra rủi ro đáng kể cho các thị trường và tình hình an ninh toàn cầu.

Để giảm thiểu mối đe dọa này, các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải đối đầu 3 thách thức chính, bắt đầu từ khoảng cách ngày càng lớn giữa chính trị và kinh tế. Mặc dù khu vực này thiếu sự hội nhập chính trị và vắng bóng nền tảng an ninh chung nhưng các hiệp định thương mại tự do đang tăng lên nhanh chóng, mới đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trung Quốc được xem là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết nền kinh tế trong khu vực.

Gấp rút tạo trật tự mới ở Ấn Độ - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Tàu hải quân Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản trong cuộc tập trận hải quân chung Malabar gần đây Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tuy nhiên, chỉ hợp tác thương mại thì không thể giảm bớt rủi ro chính trị. Việc này đòi hỏi một nền tảng gồm các quy tắc, tiêu chuẩn chung và có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, tất cả các nước nên nhất trí làm rõ hoặc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bất kỳ tranh chấp nào cũng phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình chứ không phải vũ lực hay ép buộc.

Để thiết lập một nền tảng khu vực tuân thủ luật pháp, các nước cần vượt qua thách thức thứ hai là "vấn đề lịch sử" của khu vực. Các tranh chấp về lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, đài tưởng niệm chiến tranh, khu vực phòng không, sách giáo khoa... đều có liên quan đến những thù địch trong quá khứ. Kết quả chủ nghĩa dân tộc lớn mạnh, từ đó đe dọa tương lai của khu vực.

Một ví dụ cụ thể là quá khứ đang tiếp tục phủ bóng đen lên quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Á. Về phần mình, Trung Quốc lợi dụng lịch sử để biện minh cho những ý đồ mở rộng lãnh thổ và biển đảo như thể đang ganh đua với quá trình thuộc địa hóa châu Á trước năm 1945 của Nhật Bản. Điều này được chứng minh qua việc tất cả tranh chấp biên giới của Trung Quốc với 11 nước láng giềng đều dựa trên các tuyên bố lịch sử chứ không phải luật pháp quốc tế.

Thực trạng trên đưa đến thách thức quan trọng thứ ba ở Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tình hình hàng hải biến động. Trong bối cảnh dòng chảy thương mại hàng hải tăng nhanh, các cường quốc khu vực đang tranh giành quyền tiếp cận, tầm ảnh hưởng và lợi thế. Tại đây, mối đe dọa lớn nhất nằm ở ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực của Trung Quốc. Những gì Trung Quốc làm ở biển Đông đang gửi đi thông điệp đáng lo ngại là chủ nghĩa đơn phương ngang ngược chưa chắc phải trả giá trên trường quốc tế.

Ngoài 3 thách thức chính trên, không thể không kể đến tình trạng biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức, sự xuống cấp của hệ sinh thái biển, cướp biển, khủng bố và các tổ chức tội phạm đang khiến môi trường an ninh khu vực trở nên ngày càng quá tải và bất ổn. Tất cả vấn đề này đều làm tăng nguy cơ chiến tranh, dù là vô tình hay cố ý.

Thời gian đang dần cạn kiệt. Các cường quốc Ấn Độ - Thái Bình Dương phải có hành động quyết liệt hơn để tăng cường sự ổn định khu vực, củng cố cam kết của họ về các quy tắc chung và tạo dựng các thể chế hùng mạnh. Để khởi động, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ phải đẩy mạnh thể chế hóa bộ tứ đối thoại an ninh của họ. Từ cơ sở đó, 4 nước này có thể phối hợp chính sách và mở rộng hợp tác với các quốc gia trong khu vực.

Trung tâm toàn cầu đang dịch chuyển về Ấn Độ - Thái Bình Dương cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Nếu các nước trong khu vực không hành động ngay bây giờ để củng cố một trật tự mở dựa trên quy tắc, tình hình an ninh sẽ tiếp tục xấu đi với những hậu quả có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo