Kể từ ngày 12-4, từng ứng viên sẽ có 2 giờ để trình bày trước Đại hội đồng LHQ về lý do họ muốn đảm nhận vị trí này cũng như trả lời câu hỏi từ đại diện 193 nước thành viên. Quá trình này dự kiến kéo dài 3 ngày, được truyền hình trực tiếp và phát trực tiếp trên mạng.
Đại hội đồng LHQ vào năm ngoái đã thông qua nghị quyết dọn đường để tiến trình bầu chọn người đứng đầu LHQ diễn ra minh bạch, công khai hơn trước đòi hỏi của nhiều nước thành viên.
Theo Hiến chương LHQ, tổng thư ký LHQ do Đại hội đồng LHQ lựa chọn dựa trên sự tiến cử của Hội đồng Bảo an. Điều này có nghĩa là 5 thành viên Hội đồng Bảo an - Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp - có quyền phủ quyết những ứng viên họ không thích. Theo AP, phương thức này vẫn được duy trì trong cuộc bầu chọn người kế nhiệm Tổng Thư ký Ban Ki-moon từ ngày 1-1-2017.
Dù vậy, ông Mogens Lykketoft, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, nhận định bước đi nêu trên có tiềm năng “thay đổi cuộc chơi”. Nếu một ứng viên hàng đầu xuất hiện và được nhiều nước ủng hộ, sẽ rất khó - nếu không muốn nói là không thể - để Hội đồng Bảo an tiến cử nhân vật khác.
Theo truyền thống, vị trí tổng thư ký LHQ được xoay vòng giữa các khu vực. Dù vậy, các nước Đông Âu, trong đó có Nga, phàn nàn rằng chưa từng có nhân vật nào đến từ khu vực này ngồi vào chiếc ghế trên. Vì thế, có đến 6 nước Đông Âu đề cử ứng viên tham gia cuộc đua.
Ngoài ra, Hội đồng Bảo an còn đối mặt sức ép ủng hộ người phụ nữ đầu tiên ngồi vào chiếc ghế nóng này. Trong số 8 ứng viên, có những tên tuổi đáng chú ý như cựu nữ Thủ tướng New Zealand Helen Clark, cựu Thủ tướng Montenegro Igor Luksic, cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk…
Bình luận (0)