Đề xuất trên do ông Ngô Tú Minh, phó tổng thư ký Hiệp hội cố vấn phát triển Sơn Tây - tổ chức phi chính phủ tại miền Trung Trung Quốc chuyên về nghiên cứu phát triển xã hội, đưa ra. Mục đích là giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội đang rình rập do tình trạng mất cân bằng giới tính gây ra.
Ông Ngô kêu gọi chính quyền nhanh chóng giải quyết sự gia tăng số lượng những người chưa kết hôn bằng cách khuyến khích phụ nữ độc thân ở thành phố về nông thôn, nơi có hàng triệu nam giới chưa kết hôn đang tìm vợ. Ông Ngô nói rằng phụ nữ "đừng sợ sống ở vùng nông thôn".
Ngoài đề xuất đưa ra các biện pháp khuyến khích "gái ế" thành phố về nông thôn, ông Ngô cho rằng chính phủ nên đầu tư vào việc dạy nghề cho những người đàn ông trong độ tuổi 30 và chưa tìm được vợ.
Thông tin phụ nữ tại chợ hôn nhân trong Công viên Nhân dân ở Thượng Hải vào ngày 8-8-2020. Ảnh: EPA-EFE
Đề xuất kết đôi của ông Ngô bị chỉ trích. Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng đó là ý tưởng xa rời thực tế, không hiểu biết. Một người viết trên mạng xã hội Weibo: "Sao lại nghĩ ra một ý tưởng như vậy? Ông ấy không thấy sự chênh lệch lớn giữa hai nhóm sao? Về cơ bản, họ sống ở hai thế giới song song, việc giao tiếp giữa hai nhóm vô cùng khó khăn".
Một người khác viết: "Ngay cả phụ nữ ở nông thôn cũng không muốn kết hôn với những người đàn ông sống ở nông thôn, nói gì tới phụ nữ ở thành thị. Ông có nghĩ phụ nữ thành thị ngu ngốc khi lấy chồng ở nông thôn không?"
Cô Sharon Tôn, 38 tuổi, làm việc trong ngành bất động sản ở Thượng Hải, nói cô sẽ không nghĩ tới chuyện coi nam giới nông thôn là một đối tượng tiềm năng. Sharon thẳng thắn: "Tôi không thể hẹn hò với một người đàn ông nông thôn. Điều đó sẽ không xảy ra cho dù không còn những người đàn ông khác trên thế giới này".
Cặp đôi đi qua chợ hôn nhân Thượng Hải. Ảnh: EPA-EFE
Trung Quốc là một trong những nước mất cân bằng giới tính hàng đầu thế giới, với 114 nam/100 nữ, dẫn tới việc nam giới nhiều hơn nữ giới tới 30 triệu người, theo dữ liệu của nhà cung cấp dữ liệu quốc tế Statista. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chênh lệch giới tính khi sinh toàn cầu hiện là 105 bé trai/100 bé gái.
Sự mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ ở Trung Quốc là kết quả của chính sách một con và quan điểm trọng nam khinh nữ. Năm 2015, Trung Quốc mới bỏ chính sách một con. Tình trạng mất cân bằng giới tính đặc biệt nghiêm trọng ở nông thôn. Phần vì phụ nữ tìm việc và kiếm chồng tại thành phố; phần vì quan niệm đàn ông phải có khả năng tài chính cao hơn vợ.
Bình luận (0)