Đó là hoài niệm của Bono - giọng ca lão làng trong ban nhạc lừng danh U2 - dành cho người anh hùng Nam Phi. Bono bảo Nelson Mandela là “người đàn ông không khóc”. Có cơ duyên trở thành bạn bè, Bono kể cựu Tổng thống Nam Phi biết rằng nước ông nhiều dầu, khí đốt, khoáng sản, đất đai và trên hết là con người. “Họ chỉ còn thiếu niềm tin rằng những thứ quý giá đó thực sự thuộc về họ, bởi di chứng của quá khứ thuộc địa” - ông Mandela hiểu rõ người dân của mình.
Cha đẻ của dân tộc
Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời ở tuổi 95 vào lúc 20 giờ 50 phút hôm 5-12 (giờ địa phương). Hãng thông tấn SAPA của Nam Phi dẫn nguồn tin chính phủ cho biết thi hài của ông đã được đưa tới một bệnh viện quân đội ở thủ đô Pretoria để tiến hành ướp xác trong 3-4 ngày tới. Quốc tang sẽ được tổ chức tại sân vận động 95.000 chỗ ngồi ở ngoại ô TP Johannesburg vào ngày 9-12. Sau đó, thi hài ông Mandela được quàn 3 ngày ở Pretoria trước khi chuyển về quê nhà ở làng Qunu thuộc khu vực Eastern Cape vào cuối tuần sau. Ngày 15-12, lễ tang và an táng chính thức ông Mandela sẽ diễn ra tại mảnh đất quê hương ông. Tổng thống Jacob Zuma thông báo cả nước sẽ treo cờ rủ từ ngày 6-12 cho tới khi tiễn biệt Mandela lần cuối.
Người dân Nam Phi từ khắp nơi trên thế giới đã gọi đến đài truyền thanh ở quê nhà để chia sẻ những kỷ niệm của họ về người đàn ông mà họ coi là cha đẻ của dân tộc.
Biểu tượng chống phân biệt chủng tộc
Cộng đồng quốc tế ngay lập tức bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của biểu tượng huyền thoại trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên gửi lời chia buồn: “Ông Mandela đã giành được nhiều thành tựu hơn bất kỳ những gì chúng ta có thể kỳ vọng ở một con người. Hôm nay, ông đã qua đời và chúng ta mất đi một nhân cách có sức ảnh hưởng, lòng dũng cảm và sự tận tâm lớn nhất”.
Với khuôn mặt buồn bã, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết chính ông Mandela là nguồn cảm hứng lớn cho đời mình. Ông kể: “Ngày ông ấy được phóng thích giúp tôi nhận thức rõ ràng về việc nhân loại có thể làm gì khi được dẫn dắt bởi niềm hy vọng chứ không phải nỗi sợ hãi”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đánh giá ông Mandela là “biểu tượng vĩ đại của công lý, cảm hứng của nhân loại”. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cho dừng cuộc họp hôm 5-12 để mặc niệm cố Tổng thống Nam Phi.
Tại London, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh ông Mandela là người anh hùng của mọi thời đại, là nguồn sáng vĩ đại. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi gọi ông là “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”, người đã có những đóng góp lịch sử trong việc thiết lập quan hệ song phương.
5 cột mốc trong đời Từ lúc sinh ra vào năm 1918 đến khi mất đi, cuộc đời của ông Nelson Mandela là một chuỗi đầy ắp sự kiện. Dưới đây là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất, một vài trong số đó được kể bởi chính ông. Ngày 20-4-1964: Đứng trước vành móng ngựa ở Pretoria với cáo buộc phá hoại đất nước, ông Mandela đanh thép: “Cả đời này, tôi đã hiến thân mình cho sự nghiệp đấu tranh vì người dân châu Phi. Tôi chống lại sự thống trị của người da trắng và tôi cũng chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ, tự do mà ở đó mọi người sống hòa thuận, bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi sống vì nó và sẵn sàng chết vì nó nếu cần”. Hai tháng sau, ông bị tuyên án tù chung thân. Ngày 11-2-1990: Ông Mandela bước ra khỏi nhà tù Victor Verster gần TP Cape Town sau hơn 27 năm bị giam cầm. “Khi tôi đứng giữa đám đông, tôi giơ nắm đấm và họ gầm lên. Điều này làm trào lên trong tôi một ngọn sóng sức mạnh và niềm vui. (...) Tôi thấy đời mình sang trang mới - ở tuổi 71” - ông viết. Ngày 10-5-1994: Tại lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống ở thủ đô Pretoria, ông Mandela tuyên bố: “Không bao giờ, không bao giờ và không bao giờ vùng đất xinh đẹp này lại phải nếm trải sự áp bức bóc lột cũng như gánh chịu nỗi nhục bị khinh khi. Hãy để tự do lên ngôi!”. Ngày 24-6-1995: Tổng thống Mandela sải bước vào sân đấu của giải bóng bầu dục thế giới tại Johannesburg. Đám đông hơn 60.000 người da trắng hô vang “Nelson! Nelson! Nelson!”. Ông đã chuyển đi thông điệp rằng bóng bầu dục - môn thể thao từng bị người da đen xa lánh - nay dành cho mọi người Nam Phi. Một biểu tượng của sự hòa hợp sắc tộc. Ngày 11-7-2010: Với nụ cười trên môi, ông Mandela vẫy tay chào khán giả trên sân vận động Soccer City, nơi diễn ra lễ bế mạc World Cup 2010 mà Nam Phi là chủ nhà. Ông không phát biểu và đó là lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng.
M.Nhung |
Bình luận (0)