Giá dầu thế giới hôm 22-3 tăng lên gần 120 USD/thùng sau khi một số nước châu Âu nói đến khả năng trừng phạt dầu Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine. Một yếu tố tác động khác là các vụ tấn công của phong trào Houthi ở Yemen nhằm vào cơ sở dầu của Ả Rập Saudi vào cuối tuần rồi.
Ông Edward Moya, chuyên gia của Công ty Ngoại hối OANDA (Mỹ), nhận định giá dầu đang tăng do nỗi lo về nguồn cung bị thiếu hụt liên quan đến những diễn biến nói trên.
Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) hôm 21-3 chứng kiến sự chia rẽ về vấn đề có trừng phạt lĩnh vực năng lượng Nga hay không và nếu có thì tiến hành thế nào.
Một số quốc gia như Ba Lan, Latvia, Lithuania, Estonia... đang thúc đẩy lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga. Trái lại, Đức và Hà Lan cho rằng EU đang phụ thuộc vào năng lượng Nga và không thể tự cắt đứt nguồn cung này ngay lập tức.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng đây không phải là muốn hay không mà vấn đề là chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ thế nào. Trong khi đó, một nhà ngoại giao EU tiết lộ một số nước hy vọng khối này sẽ tìm đủ nguồn cung năng lượng thay thế vào tháng 6 để từ đó nghiêm túc xem xét lệnh cấm vận dầu mua của Nga.
Một cơ sở dầu ở Abqaiq (Ả Rập Saudi) Ảnh: Reuters
Với EU, năng lượng là một trong những lĩnh vực phức tạp nhất để xem xét trừng phạt vì mỗi thành viên có "lằn ranh đỏ" khác nhau. Trong khi các nước Baltic muốn cấm dầu Nga thì Đức và Ý lại không muốn làm thế do lo ngại giá năng lượng tiếp tục tăng. Lệnh trừng phạt nhằm vào than đá Nga bị xem là "lằn ranh đỏ" đối với một số nước, trong đó có Đức, Ba Lan và Đan Mạch.
Một trở ngại khác đến từ cảnh báo của Moscow, theo đó động thái trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga có thể khiến nước này đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu. Theo thống kê, khoảng 40% khí đốt nhập khẩu của EU hiện do Nga cung cấp.
Bà Helima Croft, chuyên gia của Ngân hàng Hoàng gia Canada, không tin châu Âu sẽ áp đặt lệnh cấm dầu mỏ của Nga khi cho rằng Đức sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực trừng phạt năng lượng nào của EU.
Trái lại, ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch Công ty IHS Markit (Anh), nhận định với đài CNBC rằng viễn cảnh dầu Nga bị châu Âu trừng phạt hoặc cấm vận đang ngày càng tiến gần hiện thực nhưng khuyến cáo một bước đi như thế cần được tiến hành thận trọng và có sự tham vấn kỹ của ngành công nghiệp dầu nhằm giảm thiểu nguy cơ gián đoạn.
Nỗi lo về nguồn cung dầu còn đến từ căng thẳng giữa phong trào Houthi ở Yemen và Ả Rập Saudi. Riyadh hôm 21-3 tuyên bố nước này không chịu trách nhiệm đối với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thế giới sau khi các cơ sở dầu của họ bị tấn công. Một số chuyên gia nhận định Ả Rập Saudi có ý muốn dùng vụ tấn công làm cái cớ để từ chối gia tăng sản lượng khai thác bất chấp sức ép đang tăng.
Trong bối cảnh thế giới đối mặt có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, giới phân tích nhận định giá dầu có thể còn có những lần biến động mạnh đột ngột như từng tăng từ 90 lên 130 USD/thùng trong vòng 1 tháng hoặc giảm từ 125 còn 95 USD/thùng trong vòng 1 tuần. Chẳng hạn như giá dầu có thể lao dốc mạnh nếu đạt được giải pháp liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Bình luận (0)