Hội nghị của OPEC nhằm đưa ra chính sách về sản lượng diễn ra trong bối cảnh một số quốc gia thành viên kêu gọi cắt giảm sản lượng để chống đỡ giá dầu.
Venezuela tuyên bố sẵn sàng giảm sản lượng dầu nếu OPEC đưa ra quyết định tương tự trong khi Libya và Ecuador cũng đồng ý với sáng kiến trên.
Giá dầu thô Brent đã giảm khoảng 30% kể từ tháng 6 năm nay, xuống còn khoảng 80 USD/thùng, do nguồn cung dồi dào và nhu cầu giảm bớt.
Tuy nhiên, hiện vẫn không chắc chắn OPEC sẽ đạt được một thỏa thuận về sản lượng tại cuộc họp trong tuần này trong khi Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, vẫn chưa hé lộ có ủng hộ hay không.
Thêm vào đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết ông sẽ gặp gỡ vị đồng cấp Ả Rập Saudi Ali al-Naimi tại hội nghị để bàn về vấn đề chia sẻ thị trường trong khi Tehran nhắm mục đích tăng cường xuất khẩu dầu mỏ trong trường hợp phương Tây chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Iran.
Hiện Iran đang vất vả bù đắp tình trạng mất cân đối ngân sách do giá dầu giảm.
Trong khi đó, giá dầu có thể giảm xuống đến 60 USD/thùng nếu OPEC không nhất trí cắt giảm sản lượng đáng kể.
Nếu điều đó xảy ra, không chỉ nền kinh tế Iran bị tác động mạnh mà cả Nga cũng có nguy cơ trượt vào suy thoái.
Báo Kommersant ngày 24-11 đưa tin Nga có thể đề xuất cắt giảm sản lượng dầu của nước này ở mức khoảng 15 triệu tấn/năm (tức 300.000 thùng/ngày) kể từ năm tới, đồng thời Moscow mong đợi OPEC sẽ giảm bớt sản lượng khoảng 70 triệu tấn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng tuyên bố thay vì cắt giảm sản lượng dầu, Moscow có thể giữ nguyên mức sản xuất dầu của nước này để giúp ổn định thị trường.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhấn mạnh rằng Nga thiệt hại khoảng 130-140 tỉ USD/năm do giá dầu giảm kết hợp với lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bình luận (0)