Ngoài ra, căng thẳng gia tăng ở Trung Đông là một trong những yếu tố khác tác động đến giá dầu. Theo đài CNBC, giá dầu thô Brent tại Anh có lúc tăng 7,5% lên 21,90 USD/thùng sau khi tăng hơn 5% một ngày trước đó. Trong khi đó, giá dầu thô tại Mỹ tăng 11,1% lên 15,31 USD/thùng.
Giá dầu tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22-4 cho biết đã chỉ thị hải quân Mỹ bắn bất kỳ tàu thuyền Iran nào "quấy nhiễu" tàu chiến Mỹ tại vùng Vịnh. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc gọi đây là thông điệp cảnh báo gửi đến Tehran hơn là động thái thay đổi chính sách. Ông Warren Patterson, chuyên gia của Ngân hàng ING (Hà Lan) nhận định với tình trạng nguồn cung thừa mứa như hiện nay, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran khó có thể tác động lâu dài đến thị trường dầu trừ khi tình hình leo thang hơn nữa.
Các bể chứa dầu tại Ả Rập SaudiẢnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, giới phân tích nhận định sự gia tăng trên có thể chỉ mang tính tạm thời bởi nỗi lo các bể chứa dầu trên thế giới sắp hết chỗ vẫn còn hiện hữu. Dù vậy, họ cũng tin rằng khó có khả năng tái diễn cú sốc giá dầu âm như những gì xảy ra trong ngày đầu tuần này. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 22-4 cho biết số lượng dầu thô dự trữ tại nước này đã tăng 15 triệu thùng lên 518,6 triệu thùng trong tuần lễ kết thúc hôm 17-4, gần mức kỷ lục 535 triệu thùng thiết lập năm 2017.
OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước bên ngoài, dự kiến bắt đầu cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1-5, một con số cao kỷ lục. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mức sản lượng cắt giảm cần phải nhiều hơn thế mới có thể bù đắp được sự sụt giảm nhu cầu trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu bị gián đoạn bởi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại để ngăn sự lây lan của dịch Covid-19.
Bình luận (0)