Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô WTI (Mỹ) giảm hơn 12%, tương đương 15 USD, xuống còn 108,7 USD/thùng. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ ngày 26-11 năm ngoái. Đầu tuần này, WTI đạt mức 130 USD/thùng trong thời gian ngắn - mức cao nhất trong 13 năm.
Cùng đó, dầu thô Brent cũng giảm 13%, tương đương 16,8 USD, xuống 111,1 USD/thùng và đây là mức giảm sâu nhất trong một ngày kể từ tháng 4-2020. Dầu thô Brent hôm 7-3 đạt 139 USD/thùng - mức cao nhất kể từ năm 2008.
"Sở dĩ giá dầu thế giới giảm do các nguồn cung khác như Iraq hay UAE sẵn sàng tăng sản lượng theo yêu cầu của Mỹ" - hãng thông tấn Reuters bình luận.
Iraq cho biết họ có thể tăng sản lượng nếu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) yêu cầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng phát tín hiệu rằng UAE sẵn sàng hỗ trợ OPEC + tăng sản lượng.
Toàn cảnh các bể chứa dầu ở cảng Transneft-Kozmino của Nga. Ảnh: Reuters.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước đã tung ra 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của các nước để bổ sung việc gián đoạn nguồn cung từ Nga trong bối cảnh diễn ra xung đột với Ukraine nhưng giá dầu vẫn tiếp tục tăng.
Cũng do xung đột ở Ukraine mà Mỹ và các đồng minh phương Tây thời gian qua tung loạt đòn trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga. Dù chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đứng vững trước các "đòn thù" nhưng lạm phát ở Nga vẫn tăng rất nhiều, trong khi đồng rúp mất giá.
Đồng rúp mất giá rất nhiều so với đồng USD. Ảnh: Reuters.
Cụ thể, lạm phát giá tiêu dùng ở Nga đã tăng nhanh trong nhiều tháng qua và đạt mức cao nhất trong 6 năm vào tháng 2-2022. Còn với đồng rúp xuống rất thấp trong phiên giao dịch trên sàn Moscow hôm 9-3, có thời điểm ở mức 120,83 rúp đổi 1 USD, trước khi đóng cửa ở mức 120 rúp đổi 1 USD, theo Reuters.
Bình luận (0)