Chuyên gia chống khủng bố Solahudin (Đại học Indonesia) bảo: "Đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa giải được nhiều câu hỏi. Có quá nhiều việc phải làm tại hiện trường tội ác".
Nhóm tối chủ nhật
Đó là những câu hỏi về bản chất của tổ chức khủng bố Jamaah Ansharut Daulah (JAD). Liệu nó có phải là một tổ chức có quan hệ mật thiết với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông như báo chí và cảnh sát Indonesia thường mô tả? Hay nó chỉ là một tập hợp lỏng lẻo các nhóm khủng bố độc lập nhưng cùng chung hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, cùng ngưỡng mộ và sẵn sàng đua đòi theo những vụ tấn công khủng bố của IS trên toàn thế giới?
Theo chánh thanh tra cảnh sát Machfud Arifin, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy 3 gia đình thực hiện những vụ đánh bom liều chết ở các thành phố Surabatya, Sidoarjo và Pekanbaru được chỉ đạo trực tiếp từ JAD. Nhưng có một điều chắc chắn là họ sinh hoạt chung trong một nhóm bí mật nghiên cứu tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Nhóm này tụ họp mỗi đêm chủ nhật tại nhà Dita Uprianto, chủ gia đình tiến hành đánh bom liều chết các nhà thờ Công giáo ở Surabaya hôm 13-5. Dita được cho là trưởng nhóm JAD ở Surabaya.
Aman Abdurrahman, thủ lĩnh của JAD Ảnh: KOMPAS
Tại đây, họ thảo luận về thánh chiến và xem phim của IS ngợi ca những vụ tấn công khủng bố ở Syria, Iraq và Pháp. Qua đó, nhóm nhồi nhét tư tưởng Hồi giáo cực đoan vào đầu óc con cái của các gia đình, khuyến khích họ tham gia các hoạt động tử vì đạo.
Theo Arifin, con cái của 3 gia đình thánh chiến không đi học ở trường công lập mà chủ yếu học tại nhà. Lý do: Có như vậy cha mẹ mới dễ nhồi nhét tư tưởng cực đoan vào cái đầu non nớt của bọn trẻ. "Cho nên, khi các bà mẹ bảo chúng đeo đai bom chúng nghe lời răm rắp" - ông Arifin nhấn mạnh.
IS Đông Nam Á không còn thủ lĩnh
Mặc dù JAD tuyên bố chịu trách nhiệm về những vụ tấn công ở Surabaya nhưng không đưa ra được bằng chứng nào. Bà Sidney Jones, chuyên gia về khủng bố Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu IPAC, nhận định: "Có thể IS đã truyền cảm hứng cho những gia đình khủng bố nhưng không thể nói IS trực tiếp chỉ đạo chuyện này. Các gia đình khủng bố chỉ thân IS mà thôi".
Một số chuyên gia khác cũng tin rằng những vụ tấn công ở Surabaya làm theo phương thức tấn công khủng bố của IS nhưng không có bất cứ tổ chức IS nào ở Đông Nam Á đứng sau. Bởi những người Indonesia và Malaysia điều hành mạng lưới IS trong vùng như Katibah Nusantara, Bahrun Naim, Bahrumsyah và Salim Mubarok - những tên tuổi khét tiếng dính vào các vụ khủng bố ở thủ đô Jakarta hồi năm ngoái - đều bị giết hoặc biệt tăm biệt tích.
Vậy JAD có vai trò gì trong những vụ đánh bom liều chết vừa qua ở 3 thành phố lớn của Indonesia? Tướng Tito Karnavian, chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia, tin rằng JAD do giáo sĩ Aman Abdurrahman sáng lập có liên can nhưng không trực tiếp can dự.
Những vụ tấn công nhà thờ Công giáo làm người ta nhớ lại hàng chục vụ tấn công tương tự của phong trào Jamaah Islamiyah (JI) hồi đầu thập niên 2000. Thế nhưng, JI đã tuyên bố không thực hiện những vụ thánh chiến bạo lực nữa. Bây giờ chỉ còn JAD là tổ chức khủng bố khát máu nhất ở Indonesia.Tuy nhiên, hiện nay JAD giống như rắn mất đầu.
Hữu danh vô thực?
JAD là nơi tụ họp những phần tử ủng hộ IS lớn nhất ở Indonesia với khoảng 20 nhóm khác nhau, theo CIA (Trung ương tình báo Mỹ). Những nhóm này phục tùng vô điều kiện giáo sĩ Aman và Abu Bakar Baasyi, thủ lĩnh tổ chức Jamaah Anshorul Tauhid (JAT). Mới đầu, JAD bao gồm những người tuyên thệ trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của IS. Hiện nay, JAD thành lập tháng 11-2015 tại Malang, chọn giáo sĩ Aman là thủ lĩnh duy nhất.
Aman từng bị kết án 7 năm tù vào năm 2004 sau một vụ tấn công khủng bố bất thành ở TP Depok, tỉnh Tây Java. Bốn năm sau, y được phóng thích vì "hạnh kiểm tốt". Tuy nhiên, Aman lại tiếp tục hợp tác với Baasyi thành lập trại huấn luyện khủng bố ở tỉnh Aceh vào năm 2010, thu hút nhiều nhóm khủng bố khác. Cảnh sát Indonesia đã bắt được Aman tại trại huấn luyện này khiến Aman lãnh thêm 9 năm tù.
Zainal Anshor, phó tướng của Aman, điều hành các trại huấn luyện thánh chiến và lên kế hoạch tấn công trung tâm Jakarta năm 2016, cũng đang ăn cơm tù về tội buôn lậu vũ khí.
Chuyên gia Solahudin kết luận: "JAD không còn thực lực vì các thủ lĩnh của nó đang ở tù. Từ đó, các nhóm thánh chiến buộc phải hành động độc lập dưới hình thức cá nhân hoặc gia đình. Điều này phù hợp với ý niệm Jihad fardiyah của Hồi giáo. Đó là một khi không thể tiến hành thánh chiến thông qua tổ chức thì mỗi người có thể hành động độc lập".
Tháng chinh phục và cưỡng đoạt
Những cuộc tấn công khủng bố trong các ngày 13 và 14-5 vừa qua ở Indonesia trùng hợp với thời điểm bắt đầu tháng chay Ramadan Hồi giáo. Đối với những người Hồi giáo chân chính, đây là tháng của lòng từ tâm, tự xét mình, tự chuyển mình gần hơn với Thượng đế. Đó cũng là thời điểm Thượng đế từ bi hỉ xả nhất trong năm.
Trong 30 ngày họ phải nhịn ăn và nhịn uống trong thời gian có ánh sáng mặt trời. Họ chỉ được ăn vào ban đêm. Vào thời điểm này, các thánh đường Hồi giáo đông người hơn gấp đôi, gấp ba bình thường.
Thế nhưng, đối với IS, đó là tháng chinh phục và cưỡng đoạt, là thời điểm tấn công địch. Ramadan trở thành thời điểm chiến lược tốt nhất để ra tay.
Abu Mohammed al-Adnani, người phát ngôn của IS, từng hô hào: "Hãy chuẩn bị và sẵn sàng biến Ramadan thành tháng tai ương cho những kẻ vô đạo".
Abdullah Azzam là người cầm đầu chiến binh nước ngoài ở chiến trường Afghanistan thập niên 1980. Hắn được mệnh danh là "Bố già thánh chiến hiện đại" với lập luận: "Bỏ qua thánh chiến đồng nghĩa với từ bỏ chay tịnh và cầu nguyện". Y còn nói: "Thánh chiến là cách cầu nguyện tốt nhất vì nó giúp người Hồi giáo tiếp cận thiên đường".
Chỉ riêng năm 2016, IS khoe khoang đã tiến hành 300 cuộc tấn công khủng bố trên toàn cầu.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-5
Bình luận (0)