Nhật báo Kinh tế thuộc nhà nước Trung Quốc ngày 25-11 cho biết Bắc kinh đang chịu áp lực ổn định giá ngũ cốc, đồng thời khuyến cáo nên đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để chống lại tình trạng biến động giá trên thị trường trong nước và quốc tế.
Giá ngô và lúa mì tại Trung Quốc đang ở mức cao, trong khi giá gạo đã giảm xuống dưới mức giá mua tối thiểu. Theo Nhật báo Kinh tế, giá ngô cao là do thiếu hụt sản xuất bởi lượng mưa liên tục và mùa đông lạnh bất thường ở miền Bắc Trung Quốc.
Từ quan điểm chính trị, giá lương thực tăng thúc đẩy nguy cơ lạm phát và khiến những người có thu nhập trung bình gặp áp lực kinh tế vì phải đảm bảo nhu yếu phẩm cho bản thân.
Giá ngô tại Trung Quốc đang ở mức cao. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhật báo Kinh tế cho biết Trung Quốc cần tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ chính sách, tăng phần thưởng dành cho các khu vực đạt năng suất cao, tăng cường trợ cấp nông nghiệp... Đồng thời, Bắc Kinh được yêu cầu cảnh giác về việc tăng giá ngũ cốc trên toàn cầu và đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu ngũ cốc để đối phó tốt hơn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.
Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực trong những tháng gần đây. Nhà phân tích nông nghiệp Even Pay đến từ Công ty tư vấn Trivium China (trụ sở tại Bắc Kinh), giải thích: "Giá một loạt hàng hóa thường ngày tăng mạnh do giá năng lượng và nguyên liệu cao hơn. Điều này dẫn tới những lo ngại về lạm phát".
Trong khi đó, giá gạo giảm xuống dưới mức giá mua tối thiểu ở Trung Quốc là kết quả của việc cung cấp nhiên liệu và lượng gạo tồn kho cao. Kể từ năm ngoái, Trung Quốc sử dụng lúa mì và gạo để nuôi động vật thay cho ngô nhưng đó không phải là biện pháp lâu dài.
Đầu tháng này, giá lương thực toàn cầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011, theo Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO). Giá lương thực tăng tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 10 (tăng 3% so với tháng 9) do nhu cầu cao và sản lượng thu hoạch thấp.
Dữ liệu hải quan cho thấy Trung Quốc thường nhập khẩu ngô, bông, đậu nành và đường. Nước này đã nhập 11,3 triệu tấn ngô - mức kỷ lục - vào năm ngoái, trong khi nhập khẩu đậu nành - chủ yếu từ Mỹ, Brazil và Argentina - đã tăng 13,3% so với năm 2020 lên 100,3 triệu tấn.
Bình luận (0)