Trong tài liệu đề ra mục tiêu chiến lược hàng hải trong năm 2021 cho Hải quân, Thủy quân lục chiến và Lực lượng Tuần duyên Mỹ, Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc triển khai chính sách bành trướng trên biển Đông và nỗ lực tìm kiếm bá quyền trong khu vực thông qua một số chương trình.
"Lập trường và chiến dịch của các lực lượng sẽ tập trung vào nỗ lực chống lại hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên toàn cầu, đồng thời củng cố năng lực răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - tài liệu nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh các lực lượng sẽ phải "hoạt động mạnh mẽ hơn để chiếm ưu thế trong chiến lược cạnh tranh hằng ngày nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, ngăn chặn các nước đối đầu theo đuổi đường lối xâm lược vũ trang".
Riêng Hải quân Mỹ, tài liệu khẳng định lực lượng này cần tăng cường hiện diện trong khu vực Thái Bình Dương để "ngăn chặn và ghi nhận những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, ăn cắp tài nguyên và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực".
Biển Đông là một trong những điểm nóng trong quan hệ Mỹ - TrungẢnh: EPA
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi hôm 18-12 thông báo sẽ phát triển tên lửa chống hạm mới, có tầm bắn xa hơn để bảo vệ các đảo ở phía Tây Nam nước này. Tokyo ngày càng lo ngại về các hoạt động của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông, bao gồm xâm nhập các vùng biển quanh quần đảo Senkaku (đang chịu sự kiểm soát của Tokyo nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư).
Tại Ấn Độ, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang thúc đẩy quan hệ với Anh thông qua "lộ trình 10 năm" hướng đến nhiều mục tiêu, có thể bao gồm thỏa thuận thương mại tự do và tăng cường hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab kết thúc chuyến công du Ấn Độ vào tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đến Ấn Độ với tư cách là khách mời chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa 26-1.
Các chuyến thăm cấp cao trên được tiến hành giữa lúc quan hệ London - Bắc Kinh xấu đi vì nhiều vấn đề, bao gồm Hồng Kông và lệnh cấm Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G, trong khi căng thẳng New Delhi - Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp biên giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới chuyên gia khẳng định với báo South China Moring Post rằng New Delhi và London đang tìm kiếm sự hỗ trợ lẫn nhau để chống lại Bắc Kinh, đặc biệt là ở kinh tế và an ninh.
Bình luận (0)