Các hãng hàng không đang vật lộn với việc bố trí lại chuyến bay sau khi châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Chile và Mỹ quyết định tạm ngưng sử dụng loại máy bay 787 Dreamliner của hãng Boeing để chờ kết quả điều tra những trục trặc xảy ra gần đây.
Quyết định trên được đưa ra sau khi một máy bay 787 Dreamliner của Hãng Hàng không All Nippon Airways (ANA - Nhật Bản) buộc phải hạ cánh khẩn cấp hôm 16-1 do trục trặc ở bộ phận pin lithium-ion. Ngay lập tức, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã ra lệnh tạm ngưng sử dụng loại máy bay này cho đến khi sự an toàn của pin máy bay được kiểm chứng.
Boeing tuyên bố họ tin rằng máy bay 787 vẫn an toàn, đồng thời cam kết hợp tác với FAA để tìm ra câu trả lời càng sớm càng tốt. Đại diện của FAA, Boeing và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ dự kiến trong ngày 18-1 sẽ đến Nhật để kiểm tra chiếc máy bay gặp sự cố nói trên.
Theo các nhà phân tích, đây là lần đầu tiên FAA ra lệnh cấm bay tạm thời đối với một máy bay sản xuất ở Mỹ kể từ năm 1979. Hãng tin Reuters cho biết Boeing đã ký hợp đồng bán khoảng 850 chiếc máy bay thương mại mới nhất của mình và 50 chiếc đã được giao cho khách hàng. Khoảng phân nửa trong số này đã được đưa vào sử dụng ở Nhật Bản. Ngoài ra, các hãng hàng không ở Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan, Qatar, Ethiopia, Chile… cũng đang dùng loại máy bay có giá 207 triệu USD này.
Các nhà chức trách Nhật Bản và Ấn Độ hiện chưa rõ khi nào máy bay 787 mới hoạt động trở lại. Trước mắt, thiệt hại mà các hãng hàng không gặp phải là không nhỏ. Hãng Hàng không Japan Airlines Co (Nhật Bản) có 7 chiếc 787 và việc chúng bị “trùm mền” đã khiến 3 chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng đến hơn 500 hành khách. Trong khi đó, Công ty Mizuho Securities ước tính ANA có thể tổn thất 1,1 triệu USD/ngày từ việc 17 máy bay 787 của họ không hoạt động.
Bình luận (0)