Hôm 10-9, báo The Telegraph cho biết Bộ Ngoại giao Anh đang điều tra liệu "các quốc gia hạt nhân hiện tại và trước đây" có giúp Triều Tiên hoàn thiện công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo hay không.
Nguồn tin chính phủ Anh tiết lộ với báo The Telegraph rằng các nhà khoa học của Triều Tiên khó có thể giúp Bình Nhưỡng đạt được những tiến bộ thần tốc như vậy.
London nghi ngờ Tehran là nước đứng sau hỗ trợ Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Nga cũng bị đặt vào tầm ngắm. Các quan chức Anh lo ngại Iran có thể đã cung cấp thiết bị hoặc trợ giúp về trình độ chuyên môn để Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân.
Bức ảnh công bố ngày 29-7 cho thấy Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-14 tại địa điểm không xác định. Ảnh: KCNA
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson cũng đề cập đến mối quan ngại của Bộ Ngoại giao nước này khi ông nhận được câu hỏi từ các nghị sĩ về cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
"Hiện có một cuộc điều tra chính xác về cách thức mà (Triều Tiên) có thể đạt được bước nhảy vọt về khả năng công nghệ. Chúng tôi đang xem xét vai trò có thể có của một số quốc gia hiện tại và trước đây là các quốc gia hạt nhân" – ông Johnson nói.
Sự quan tâm của Anh đến vào giữa thời điểm Triều Tiên mới thử nghiệm một quả bom hydro (bom H) có khả năng gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Đây là vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng, được cho là mạnh nhất từ trước đến nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phải hối tiếc vì buộc Washington sử dụng hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng. "Tôi không muốn sử dụng hành động quân sự. Nếu chúng tôi buộc phải làm vậy, đó sẽ là một ngày rất buồn đối với Triều Tiên" – ông chủ Nhà Trắng tuyên bố.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lên án chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nhấn mạnh chương trình này "là mối đe doạ toàn cầu và đòi hỏi phản ứng trên toàn cầu".
Ông Stoltenberg kêu gọi Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử nghiệm nào nữa bởi chúng vi phạm trắng trợn nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và đe dọa hoà bình và ổn định quốc tế.
Bình luận (0)