Nhu cầu tiêu thụ sữa bò tại Mỹ đã giảm mạnh trong những năm qua. Việc Dean Foods, công ty sữa lớn nhất nước Mỹ, trong tuần qua đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản là minh chứng cho xu hướng nói trên.
Theo đài CNN, công ty 94 năm tuổi này gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ sữa bò của người dân sụt giảm. Trong nửa đầu năm nay, doanh số và lợi nhuận của Dean Foods sụt giảm lần lượt 7% và 14%. Cổ phiếu của công ty cũng bốc hơi 80% giá trị trong năm nay.
Từng là mặt hàng thiết yếu tại Mỹ, sữa dần không còn được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng do họ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thay thế ít đường hoặc có nguồn gốc thực vật. Doanh số các sản phẩm thay thế sữa trên thị trường toàn cầu dự kiến đạt 18 tỉ USD trong năm nay, tăng 3,5% so với năm 2018, theo số liệu từ tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh). Tuy nhiên, con số này vẫn thua xa quy mô 120 tỉ USD của thị trường sữa truyền thống toàn cầu.
Theo đài CNN, doanh số bán sữa bò đã giảm trong 4 năm vừa qua. Riêng tại Mỹ, tính đến ngày 26-10, doanh số bán sữa năm 2019 đạt 12 tỉ USD, thấp hơn mức 15 tỉ USD trong cùng kỳ năm 2015, theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen (Mỹ). Trong khi đó, doanh số sữa yến mạch đã tăng lên 53 triệu USD trong năm qua, cho thấy người tiêu dùng đang ưa chuộng các loại thức uống ít đường và lành mạnh hơn.
Xu hướng ăn uống vừa lành mạnh vừa bảo vệ môi trường là giảm sản phẩm từ động vật và đường, tăng cường rau củ quả và hạt Ảnh: NBCnews
Theo tờ Independent (Anh), các nhà khoa học trên thế giới cũng đang kêu gọi người dân giảm ăn thịt khi đưa ra cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và cần thực hiện các biện pháp cấp bách để đối phó tình trạng này.
Đó là nội dung trong báo cáo được công bố vào đầu tháng này trên tạp chí khoa học BioScience (Mỹ), dựa trên kết quả nghiên cứu của hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia trên thế giới. Nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu khoa học sẵn có công khai trong hơn 40 năm, bao gồm các yếu tố như phá rừng, tỉ lệ sinh và khí thải carbon. Một trong những hành động cấp bách được các chuyên gia nhấn mạnh là giảm tiêu thụ sản phẩm từ động vật.
Theo nghiên cứu được Trường ĐH Oxford (Anh) tiến hành hồi năm ngoái, chế độ ăn chay có thể là cách đơn giản nhất để giảm tác động môi trường. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng phát thải từ chăn nuôi trên toàn thế giới hiện chiếm 14,5% tổng lượng khí thải nhà kính do con người gây ra.
Hồi đầu năm nay, 60 nhà khoa học đã viết đơn kiến nghị kêu gọi tiêu thụ ít thịt và sữa trong các trường học và bệnh viện trên khắp thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu. Theo FAO, tiêu thụ thịt trên thế giới tăng liên tục với gần 3%/năm kể từ năm 1960, chủ yếu là do người dân ở các nước nghèo mua thịt nhiều hơn khi cuộc sống của họ được cải thiện.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt trên thế giới hiện không tăng nhanh như trước. Nhóm nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết năm 2017 có 3% dân số Mỹ là người ăn chay trường và 6% là những người không ăn thịt, thay vào đó chỉ ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, trứng hoặc các sản phẩm từ sữa.
Thêm vào đó, xu hướng ăn chay hiện được giới trẻ ở nhiều nước ưa chuộng. Công ty Nghiên cứu thị trường Mintel (Đức) cho biết có khoảng 15% dân số Đức tuổi từ 16-24 là người không ăn thịt. Xu hướng ăn chay còn được truyền cảm hứng từ những người nổi tiếng như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Bình luận (0)