Không những thế, chúng có thể buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đứng trước lựa chọn mà ông tìm cách tránh né trong những năm qua: Dừng “trò chơi” do thám bạn bè hoặc có nguy cơ đánh mất sự hợp tác trong việc đối phó các mối đe dọa và thách thức trên toàn cầu.
Áp lực lên nhà lãnh đạo Mỹ đang tăng từng ngày khi nhiều đồng minh ở châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, đòi Washington phải giải thích về những chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Phản ứng mạnh này là điều dễ hiểu bởi NSA giờ đây không chỉ bị tố thu thập “siêu dữ liệu” mà còn do thám cả các đại sứ quán và cá nhân ở châu Âu.
Ông Henning Riecke, một chuyên gia tại Hội đồng Đức về quan hệ đối ngoại, lý giải: “Việc thu thập siêu dữ liệu có thể được xem như là một phần của cuộc chiến chống khủng bố. Họ không lắng nghe nội dung các cuộc trò chuyện mà chỉ muốn tìm hiểu xem ai đang nói chuyện với ai. Tuy nhiên, hành động kia lại không khác gì phương thức gián điệp truyền thống vì lợi ích chính trị và kinh tế”.
Ngay trong lòng nước Mỹ, vụ việc cũng gây ra tranh cãi sau hậu trường giữa Nhà Trắng và các cơ quan tình báo quanh chuyện nên công bố bao nhiêu chi tiết về việc do thám các nhà lãnh đạo thế giới hoặc những nhân vật nào đang bị theo dõi. Một số quan chức chính phủ còn phàn nàn rằng NSA hiếm khi quan tâm đến những cái giá mà chính trị phải trả cho nỗ lực xây dựng một mạng lưới thu thập dữ liệu toàn cầu có thể vươn đến bất kỳ quốc gia nào.
Tại Hội nghị Cấp cao Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra ở Brussels - Bỉ, Thủ tướng Merkel đã yêu cầu Mỹ ký thỏa thuận không do thám lẫn nhau với Đức và Pháp trước cuối năm nay, đồng thời đòi hỏi mọi hành vi do thám, nếu có, phải chấm dứt. Mỹ cho đến giờ chỉ mới có thỏa thuận như thế với Anh, Úc, New Zealand và Canada. Bà Merkel từng đưa ra đề nghị trên nhân chuyến thăm Berlin của ông Obama vào tháng 6 nhưng gặp phải phản ứng lạnh nhạt của Washington. Một phần lý do là chính quyền Obama lo ngại một thỏa thuận như thế sẽ khiến thêm nhiều nước khác bắt chước. Dù vậy, theo báo The New York Times, mọi chuyện có thể thay đổi sau những tiết lộ mới nói trên, nhất là khi phía Mỹ không biết giải thích ra sao về chuyện theo dõi các quan chức cấp cao Đức.
Ông Obama cho đến giờ chỉ mới dừng lại ở tuyên bố “đã cho xem xét cách thức thu thập thông tin tình báo để có thể cân bằng giữa những nỗi lo an ninh chính đáng của người dân với sự riêng tư của họ”. Người ta đang chờ xem Washington sẽ có thêm những bước đi cụ thể gì nữa để lấy lại lòng tin và uy tín ở châu Âu. Tại Đức, ngay cả những tờ báo thân Mỹ như Frankfurter Allgemeine Zeitung cũng chỉ trích: “Washington rõ ràng là không hiểu được mức độ thiệt hại mà hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ gây ra ở châu Âu”.
Những tiết lộ do thám mới có thể làm phức tạp thêm quá trình đàm phán về một hiệp ước thương mại xuyên Đại Tây Dương, cũng như làm gia tăng những căng thẳng lâu nay giữa Mỹ và EU về vấn đề riêng tư. Nghị viện châu Âu nay càng có thêm lý do và quyết tâm để phản đối thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với Mỹ.
Những cáo buộc trên ít nhiều đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân châu lục này, buộc các nhà lãnh đạo như bà Merkel phải có lập trường cứng rắn hơn với Mỹ.
Bình luận (0)