Báo The Washington Post cho biết Bộ Quốc phòng Nga hôm 9-1 dường như cáo buộc Mỹ cung cấp công nghệ trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vì các nhóm vũ trang ở Syria chưa đủ khả năng tiến hành các vụ tấn công bằng công nghệ cao như vậy.
Thêm vào những nghi ngờ, bộ này cho biết một máy bay do thám của Mỹ đã xuất hiện trong khu vực xảy ra vụ tấn công suốt 4 giờ.
Đáp lại, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon tuyên bố cáo buộc của Moscow là "hoàn toàn sai lầm": "Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thường sử dụng UAV chống lại các lực lượng đồng minh của Mỹ ở phía Đông Syria và Iraq mà không gây ra ‘ảnh hưởng đáng kể’".
Một trong những chiếc UAV bị vô hiệu hoá. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA
Tuy nhiên, theo The Washington Post, vị trí IS ẩn náu cách nơi đặt căn cứ không quân Hmeimim bị UAV tấn công hàng trăm km.
Phân tích của tổ chức tư vấn quốc phòng IHS Markit cho thấy hầu hết UAV được IS sử dụng chống lại liên quân Mỹ có phạm vi hoạt động không quá 1-2 km. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho hay các UAV trong vụ tấn công căn cứ Hmeimim có phạm vi hoạt động lên tới 50-100 km.
Theo chuyên gia Maxim Suchkov đến từ Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, một trong những nhóm đối lập Syria nhiều khả năng đứng sau vụ tấn công căn cứ Nga gần đây.
Báo cáo trên tờ Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga hôm 10-1 chỉ ra rằng 13 UAV được phóng từ một ngôi làng do "phe đối lập ôn hoà" gọi là Muazzara kiểm soát ở tỉnh Idlib, phía Nam Syria cách đây 3 ngày. Trong đó, 10 chiếc được gửi đến căn cứ không quân Hmeimim và 3 chiếc được gửi tới căn cứ hải quân Tartus.
Nga đã gửi một lá thư tới nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi họ tuân thủ các nghĩa vụ trong khu vực dựa trên thỏa thuận ngừng bắn với Moscow.
Nhưng nếu đó là phe đối lập Syria, họ có xu hướng đăng tải "chiến tích" lên mạng internet và tự hào về nó, chuyên gia Suchkov đặt nghi vấn.
Căn cứ không quân Hmeimim. Ảnh: AP
Ngoài ra, còn có giả thuyết phái Alawite ở Syria và lực lượng được Iran hậu thuẫn đứng sau các vụ tấn công. Trong đó, giả thuyết về phái Alawite rất đáng lưu ý bởi đây chính là nguồn gốc xuất thân của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Một thông cáo về các vụ tấn công trên - xảy ra ở khu vực có đa số người Alawite - được đăng trên mạng với danh nghĩa một nhóm có tên Phong trào Alawite tự do. Nhóm này cảnh báo khả năng nắm giữ quyền lực của ông Assad chưa chắc chắn. Tuy nhiên, nhóm không nhận trách nhiệm.
Nhiều thành viên đối lập trong phái Alawite cho rằng nhóm trên không có thật và đó chỉ là tác phẩm của tình báo nước ngoài nhằm chia rẽ lực lượng ủng hộ chính phủ Syria.
Riêng giả thuyết dính tới Iran được lý giải là Tehran muốn cản trở các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Syria của Nga, bởi không muốn các lợi ích của Iran bị ảnh hưởng.
Nga sau đó nói rằng họ đã bắn rơi 7 trong số 13 chiếc UAV, đồng thời sử dụng các biện pháp đối phó điện tử để vô hiệu hoá 6 chiếc còn lại. Dù tuyên bố không có thiệt hại nghiêm trọng nhưng các vụ tấn công cho thấy lực lượng Nga tại Syria vẫn dễ bị tổn thương bởi những hoạt động quân sự được lên kế hoạch cụ thể, The Washington Post nhận định.
Căn cứ Hmeimim nằm sâu trong khu vực do quân đội Syria kiểm soát. "Họ nghĩ căn cứ an toàn nhưng dường như không phải thế" - ông Maxim Suchkov, thuộc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, nhấn mạnh.
Thep chuyên gia Jennifer Cafarella vủa Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ), các vụ tấn công cũng đặt dấu chấm hỏi về tính bền vững của thành quả mà Nga đạt được ở Syria.
Bình luận (0)