Một loài hoa chưa từng được giới khoa học biết đến đã được các nhà thực vật học tìm ra trong năm 2020. Người ta sẽ dễ nhớ đến nó hơn với biệt danh "loài hoa lan xấu xí nhất thế giới".
Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew ở London - Anh đã công bố những đặc điểm nổi bật của các loài thực vật mới được tìm thấy và đặt tên trong năm 2020.
Đứng đầu danh sách là Gastrodia Agnicellus, một loài lan được tìm thấy trong các khu rừng của Madagascar, không có lá hoặc bất kỳ tế bào quang hợp nào. Điều này có nghĩa là nó là loài thực vật có màu nâu nhạt lấp lánh và trông giống như tạo vật trong một bộ phim kinh dị.
Gastrodia Agnicellus, loài hoa lan được Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew đặt biệt danh "loài hoa lan xấu xí nhất thế giới". Ảnh: Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (RBG Kew)
"Những bông hoa dài 11 mm của loài lan này nhỏ bé, màu nâu và trông khá xấu xí" – Vườn Bách thảo Hoàng gia London mô tả.
Không có khả năng quang hợp, loài lan này lấy dinh dưỡng từ nấm và hoa của nó phóng ra các hạt giống có kích thước nhỏ như hạt bụi để sinh sản. Nó hiện được coi là một loài bị đe dọa nhưng có một ít cây đang mọc trong một công viên có bảo vệ canh gác.
"Hầu hết mọi người hình dung hoa lan phải sặc sỡ, rực rỡ và đẹp đẽ. Nhưng Gastrodia Agnicellus... thì hoàn toàn ngược lại" - các chuyên gia của Vườn Bách thảo Hoàng gia London cho biết.
Nhiều loài thực vật mới đầy thú vị
Trong năm 2020, tính cả loài hoa lan "xấu xí" trên thì Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew và các đối tác trên thế giới đã tìm ra 156 loài cây mới.
Văn bản công bố tên gọi của các loài cây mới này nhấn mạnh rằng: "Chúng đại diện cho phạm vi trải rộng đáng kinh ngạc của các loài mới được đặt tên hằng năm và đại diện cho sự đa dạng đến khó tin của các chủng loài mà giới khoa học vẫn sẽ tiếp tục tìm ra, ghi chép và nghiên cứu".
Dưới đây là một số đại diện tiêu biểu khác:
Tiganophyton Karasense - một họ thực vật hoàn toàn mới, được đặt tên theo... chiếc chảo rán.
Tiganophyton Karasense, loài cây có bộ AND tương tự bắp cải. Ảnh: RBG Kew
Có khoảng 200 loài thực vật mới được đặt tên mỗi năm, theo thống kê của Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew. Nhưng việc xác định được một họ thực vật hoàn toàn mới như trường hợp này thì lại càng hiếm. Tiganophyton Karasense, loài thực vật có bề ngoài như được bao phủ bởi vảy và nấm này được tìm thấy ở miền Nam Namibia.
Từ năm 2010, nhà thực vật học Wessel Swanepoel đã để ý rằng loài cây này có bề ngoài không giống bất kỳ loài cây nào khác. Các nghiên cứu sau đó của Vườn Bách thảo đã khẳng định nó có bộ ADN tương tự như bộ ADN của bắp cải nhưng vẫn không khớp những đặc điểm của bất kỳ loài nào trong bộ cải.
Hiện nay có chưa đến 1.000 cây Tiganophyton Karasense tồn tại và chúng sống ở những nơi có điều kiện tự nhiên khô và nóng nhất của Namibia.
Chính vì loài cây này sống và phát triển ở những "chảo muối tự nhiên" cực kỳ khô mặn nên chúng được gán cho cái tên "cây chảo rán" theo tiếng Hy Lạp (trong tiếng Hy Lạp, từ tygany có nghĩa là "chảo rán" còn từ phyton có nghĩa là "cây").
Hibiscus Hareyae - Loài hoa dâm bụt được phát hiện nhờ…mạng internet.
Hibiscus Hareyae, loài hoa dâm bụt mới được tìm thấy ở Tanzania. Ảnh: RBG Kew
Loài hoa này được phát hiện trên mạng internet bởi chuyên gia về hoa dâm bụt người Úc Lex Thomson khi ông đang lướt web xem các hình ảnh thực vật trong lịch sử và tình cờ nhìn thấy ảnh của nó. Ông Thomson nhấn mạnh rằng nó có nhiều đặc điểm chưa từng được tìm thấy trước đây ở các loài hoa dâm bụt khác.
Do loài hoa này phát triển trong điều kiện khí hậu khô nóng ở miền Nam Tanzania nên các nhà khoa học rất hy vọng sẽ có thể trồng được nó, vì nó có thể chịu được nhiệt độ cao hơn nhiều so với các loài dâm bụt được trồng rộng rãi khác.
Cortinarius heatherae - loài nấm lớn được tìm thấy tại sân bay Heathrow (Anh)
Loài nấm được tìm thấy tại sân bay Heathrow Ảnh: RBG Kew
Các nhà thực vật học thường được cho là sẽ làm công việc của họ ở những khu vực hoang sơ trên thế giới nhưng loài nấm này lại được họ tìm thấy ngay cạnh một trong những trung tâm hàng không lớn nhất thế giới: sân bay Heathrow ở London.
Đó là một trong sáu loài nấm mới được đặt tên ở Anh trong năm nay và được phát hiện bởi nhà nghiên cứu nấm thực địa Andy Overall.
Bình luận (0)