Theo đánh giá của kênh National Geographic (Mỹ), dưới đây là những điểm đến không thể thiếu trong lịch trình của người yêu thích du lịch một khi dịch bệnh được khống chế.
Vườn quốc gia và bảo tồn Katmai, bang Alaska - Mỹ
Không có đường bộ đến Vườn quốc gia và bảo tồn Katmai. Du khách chỉ có thể đến đó bằng thuyền hoặc phi cơ hạ cất cánh trên mặt nước.
Với diện tích khoảng 20,2 ngàn km vuông, Katmai vừa đóng vai trò là vườn quốc gia vừa là một khu bảo tồn, nơi hoạt động săn bắn bị cấm. Số lượng du khách đến đây cũng bị hạn chế, ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Nơi này còn được biết đến nhiều bởi cuộc tranh tài để tìm ra chú gấu béo nhất trước giấc ngủ đông. Riêng với những nhà khảo cổ, đây là nơi nghiên cứu 9.000 năm lịch sử nhân loại với sự đa dạng của thiên nhiên, từ rừng núi, núi lửa, sa mạc, lãnh nguyên, bãi biển...
Núi Katmai tại Vườn quốc gia và bảo tồn Katmai. Ảnh: NAT GEO
Dominica
Đảo quốc Dominica ở vùng Caribbean là điểm đến không thể bỏ qua đối với người thích phiêu lưu mạo hiểm. Thiên nhiên nơi này không thiếu những địa điểm dành cho du khách, như 9 ngọn núi lửa còn hoạt động, 365 con sông, nhiều thác nước, bãi biển...
Dù vậy, biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão tồi tệ hơn, đe dọa đến đảo quốc này. Sau khi bão Maria tàn phá đất nước năm 2017, chính quyền Dominica đòi hỏi các tòa nhà mới phải có khả năng chống bão, trong lúc thúc đẩy du lịch mạo hiểm.
Người yêu thiên nhiên hoang dã có thể bơi gần cá nhà táng ở Dominica. Ảnh: NATUREPL.COM
Vườn quốc gia Los Glaciares (Argentina)
Vườn quốc gia Los Glaciares không khác gì một vương quốc băng ở vùng Patagonia của Argentina. Vườn quốc gia này nằm gần biên giới Chile và có diện tích 4.460 km vuông.
Điểm thu hút du khách đến đó chính là gần 300 sông băng chiếm gần phân nửa diện tích bề mặt của vườn quốc gia. Trong số này, sông băng Perito Moreno (rộng khoảng 4,8 km) là dễ tiếp cận nhất và cũng thu hút nhiều du khách nhất. Nó cao hơn 60 mét so với mặt nước hồ Argentino.
Đây cũng là một trong những sông băng hiếm hoi trên thế giới hiện có diện tích mở rộng, thay vì thu hẹp.
Sông băng Perito Moreno. Ảnh: Reuters
TP Gyeongju - Hàn Quốc
Được chọn là "Thành phố văn hóa Đông Á 2021", Gyeongju còn được mệnh danh là "bảo tàng không tường". Thành phố này có nhiều địa điểm khảo cổ học nhờ là cố đô của triều đại Silla, trị vì gần 1.000 năm (từ năm 57 trước Công nguyên - 935 sau công nguyên).
Nổi bật trong số những di sản của địa phương này là khu lăng mộ hoàng gia, chùa Bulguk (được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới) và hơn 150 ngôi mộ cổ nằm rải rác khắp nơi.
Những cổ vật, châu báu khai quật từ lăng mộ hoàng gia xưa đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Gyeongju. Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan dưới hình thức trực tuyến để biết được cuộc sống xa hoa của hoàng gia Silla.
Cung điện Donggung ở TP Gyeongju - Hàn Quốc. Ảnh: ALAMY
Đảo Lord Howe - Úc
Lord Howe là hòn đảo nhỏ ở biển Tasman. Mãi đến thế kỷ XVIII, con người mới đặt chân đến đó. Ngày nay, hòn đảo chỉ cho phép tối đa 400 du khách (nhiều hơn đôi chút so với dân số địa phương) vào thời điểm bất kỳ. Quy định này nhằm giúp bảo vệ một trong những hệ sinh thái biệt lập nhất của Trái đất tại nơi mà người dân địa phương gọi là "thiên đường cuối cùng".
Dài chưa đến 7 dặm và chỗ rộng nhất chỉ hơn 1 dặm, Lord Howe là đảo lớn nhất trong chuỗi đảo có tên trong danh sách Di sản Thế giới. Chuỗi đảo này là những gì còn lại của một ngọn núi lửa đã phun trào cách đây hàng triệu năm.
Bao quanh đảo Lord Howe là một công viên hải dương với hơn 500 loài cá, trong đó có những loài cần được bảo vệ.
Đảo Lord Howe ở Úc. Ảnh: Mark Metcalfe
TP Yellowknife - Canada
Câu chuyện về Yellowknife, thủ phủ Các lãnh thổ Tây Bắc của Canada, không khác gì một quyển tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm. Thành phố này nằm sát sông Great Slave, được bao quanh bởi rừng taiga và hiện có khoảng 20.000 dân. Thành phố này chỉ ra đời khi người ta phát hiện ra vàng ở khu vực vào những năm 1930.
Đào vàng là ngành công nghiệp chính ở Yellowknife trong nhiều thập kỷ cho đến khi mỏ vàng cuối cùng ở địa phương đóng cửa vào năm 2004. Hoạt động đào kim cương cũng bận rộn sau khi các nhà địa chất phát hiện một trong những trữ lượng kim cương lớn nhất thế giới ở đó vào năm 1991.
Một trong những trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách đến Yellowknife là ngắm Bắc cực quang
Bắc cực quang tại Yellowknife hôm 28-9-2020. Ảnh: Sarah Pruys/Cabin Radio
Hoang mạc Cerrado (Brazil)
Cerrado là hoang mạc lớn nhất Nam Mỹ, chiếm gần 1/4 diện tích bề mặt đất liền của Brazil và cực kỳ đa dạng về sinh học.
Đây là "quê hương" của hơn 10.000 loại thực vật, trong đó gần phân nửa không tồn tại ở nơi nào khác. Hấp dẫn không kém là những động vật có kích thước "khủng", như heo vòi có thể nặng đến 300 kg, tatu khổng lồ quý hiếm, thú ăn kiến khổng lồ...
Một con tatu tại hoang mạc Cerrado (Brazil). Ảnh: NATGEO
Bờ biển Không gian ở bang Florida - Mỹ
Bờ biển dài khoảng 115 km ở phía Đông TP Orlando, bang Florida là trung tâm của hoạt động thám hiểm không gian.
Còn được biết đến với tên gọi Bờ biển Không gian, đây là nơi đặt các cơ sở phóng tại Trạm không quân Mũi Canaveral và Trung tâm Không gian Kennedy thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Tại khu phức hợp dành cho khách tham quan bên trong Trung tâm Không gian Kennedy, du khách có thể xem các vụ phóng tàu không gian, cũng như nhìn ngắm các rốc-két khổng lồ.
Bao quanh trung tâm là Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia đảo Merritt, nơi du khách có thể tham quan bằng xuồng kayak để ngắm nhìn loài lợn biển Tây Ấn Độ và cá heo.
Bên trong khu phức hợp dành cho du khách ở Trung tâm Không gian Kennedy. Ảnh: ROBERT ORMEROD
Bình luận (0)