Tiếc là năm 2016 không còn suôn sẻ cho bà đầm thép châu Âu. Lần đầu tiên trong 11 năm cầm quyền, nữ thủ tướng Đức đối mặt tình trạng bị cô lập nghiêm trọng.
Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), bà gần như đơn độc tại Ủy ban châu Âu khi mà các nước khác - trừ Thụy Điển - đều lắc đầu với yêu cầu tiếp nhận số lượng lớn người di cư. Ngay cả Pháp, đối tác lâu đời nhất của Berlin, cũng bắt đầu gọi chính sách mở cửa với người nhập cư của Đức là “không thể chịu được”. Tại Hội nghị An ninh Munich hồi giữa tháng 2, Thủ tướng Pháp Manuel Valls thẳng thừng nói nước ông sẽ không nhận thêm bất cứ người tị nạn nào ngoài 30.000 người mà Paris đã ưng thuận theo thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU).
Theo Viện Nghiên cứu châu Âu và Mỹ (Iran), sau nhiều năm hỗ trợ các thành viên yếu hơn của EU, giờ đây Berlin đang phải ghìm mình ở một vị thế khác hẳn: Gần như van nài các nước khác chịu chung tay cho một giải pháp thống nhất nhằm xử lý cuộc khủng hoảng di cư chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Bà Merkel vẫn là nhà lãnh đạo quyền lực nhất EU nhưng nếu Đức gây áp lực quá đà, EU có nguy cơ chia năm xẻ bảy.
Minh chứng cho sự chia rẽ ngày càng khốc liệt trong lòng châu Âu là việc Áo gạt Đức và Hy Lạp sang lề khi nước này cùng 9 nước Balkan nhóm họp tại Vienna trong tuần này.
Mục đích của họ là cùng hạn chế số lượng người di cư được đi qua biên giới nước mình. Theo báo Financial Times, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maizière hy vọng các nước khác không làm theo Áo vì “các biện pháp đơn phương chỉ chuyển gánh nặng lên nước khác”.
Berlin sợ hành động của các nước trên sẽ làm hàng ngàn người mắc kẹt ở Hy Lạp, khiến Athens quay lưng với EU mà tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga. Trên thực tế ngày 26-2, đã có 20.000 người di cư kẹt lại Hy Lạp do Macedonia đóng cửa biên giới ở phía Bắc trong khi người mới tiếp tục dồn đến cảng Piraeus ở phía Nam.
Ngoài ra, quyết định của Áo và các nước Balkan càng khiến bài toán Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó giải hơn với EU. Đức đang hy vọng tại cuộc họp giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7-3 tới, hai bên sẽ đạt thỏa thuận để Ankara giữ lại hầu hết 2,5 triệu người tị nạn Syria để đổi lấy 3 tỉ euro viện trợ và một số yêu cầu khác, như bớt chỉ trích việc nước này pháo kích người Kurd ở Syria.
Những diễn biến trên chứng thực nhận định mà Reuters đưa ra sau Hội nghị An ninh Munich: Đức đang cố gắng lãnh đạo châu Âu đương đầu hàng loạt khủng hoảng nhưng… chẳng ai nghe theo. “Đức nỗ lực hết sức trên mặt trận ngoại giao song đang thiếu các giải pháp thực tế cũng như các liên minh hiệu quả” - nhà nghiên cứu Constanze Stelzenmueller của Viện Brookings (Mỹ) nhận xét.
Ngay tại Đức, thời điểm hỗn loạn đang tới gần, theo Newsweek. Đó là lúc 3 bang nước này tổ chức bầu cử vào ngày 13-3, được xem là cuộc “trưng cầu dân ý” cho chính sách nhập cư của bà Merkel. Tỉ lệ ủng hộ bà đã giảm từ 75% của tháng 4-2015 xuống còn 46% vào đầu năm nay.
Nhà báo nổi tiếng của Đức Alan Posener viết trên tờ Die Welt: “Bà Merkel đang gặp phải điều nghịch lý. Việc các nước Balkan hạn chế người tị nạn khiến chính sách mà Đức vận động tại EU lao đao song lại có thể cứu tương lai của chính bà tại quê nhà”.
Sau khi Áo kiểm soát biên giới, số người tị nạn đến Đức giữa tuần rồi chỉ vỏn vẹn 140 người/ngày, quá ít ỏi nếu so với 2.000 người/ngày của tuần trước đó hoặc 10.000 người/ngày vào lúc đỉnh điểm của năm ngoái, theo Financial Times.
Bình luận (0)