Trong cuộc chạy đua vũ khí toàn cầu, vũ khí công nghệ cao nổi lên như một sự lựa chọn hấp dẫn dành cho tương lai. Không nằm ngoài cuộc đua này, Nga bắt đầu nhen nhóm ý tưởng chế tạo một loại robot mang hình dạng con người, có thể phục vụ trong quân đội.
Thế hệ robot quân sự đặc biệt mà Moscow đang phát triển gọi là chiến binh “Iron Man” (nhân vật Người Sắt trong bộ phim Hollywood cùng tên của đạo diễn Jon Favreau).
Theo Komsomolskaya Pravda, mục đích ra đời của robot quân sự là để thay thế con người chiến đấu, cứu hộ, lăn xả vào những nơi nguy hiểm như khu vực có khả năng cháy nổ, hỏa hoạn, bức xạ cao...
Dễ nhận thấy Nga những năm gần đây chạy đua với Mỹ và Trung Quốc trong việc phát triển robot, máy bay không người lái và nhiều máy móc chiến tranh. Tất cả đều sở hữu khả năng tự động hóa cao. Nhưng bây giờ, chiến binh robot của Nga vẫn phải điều khiển từ xa.
Iron Man phiên bản Nga có cha đẻ là Quỹ Nghiên cứu Cao cấp (FAS). Tổ chức này là câu trả lời của Moscow đối với Cơ quan Nghiên cứu Dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) của Lầu Năm Góc. Dù vậy, nó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa biết khi nào mới ứng dụng vào thực tế.
Đã xuất hiện những lo ngại rằng chiến binh robot của Nga sẽ mở đầu kỷ nguyên “robot sát thủ” giết người không cần suy nghĩ.
Peter Asaro, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại trường Đại học The New School (Mỹ), đẩy lo ngại này đi xa hơn khi cảnh báo nếu Nga bán robot chiến binh cho các đồng minh nguy hiểm như Tổng thống Syria Bashar al-Assad, hậu quả sẽ không lường trước được.
Ông Asaro cho rằng sự vắng mặt của yếu tố con người có thể khiến tình hình mất kiểm soát. Chuyên gia này dẫn chứng các nhà lãnh đạo độc tài như Tổng thống Assad thường gặp khó khăn trong việc thuyết phục quân đội tàn sát dân thường. Và robot là một lựa chọn thay thế hoàn hảo.
Cụ thể, trong các cuộc biểu tình ở Quảng trường Tahrir – Ai Cập từ năm 2011, quân đội từ chối tấn công dân thường nhưng không có gì đảm bảo robot quân sự sẽ không làm như vậy một khi chúng được lập trình sẵn theo hướng tàn sát, tận diệt.
Ngoài Iron Man, Nga còn phát triển máy bay và xe tăng không người lái cũng như phương tiện vận chuyển robot khác. Song chuyên gia người máy quân sự Peter Warren Singer - làm việc tại tổ chức nghiên cứu độc lập New America, trụ sở ở Washington - đánh giá công nghệ robot của Nga vẫn chưa theo kịp đối thủ Mỹ.
Hiện tại, Liên Hiệp Quốc đang tổ chức các cuộc họp về xây dựng qui tắc quốc tế mới để quản lý các loại vũ khí tự động gây sát thương. Các quan chức Anh tại một cuộc họp ở Geneva – Thụy Sĩ hồi tháng 4 vừa qua trấn an rằng về mặt kỹ thuật, vũ khí tự điều khiển hoàn toàn không tồn tại. Thay vào đó, máy bay không người lái và các thiết bị tiên tiến khác đang sử dụng đều được điều khiển từ xa.
Bình luận (0)